Back to Bài viết
Thả giống - Thay đổi nhỏ nhưng mang lại hiệu quả cao
Post Date: 03/02/2024

Thả giống – Thay đổi nhỏ nhưng mang lại hiệu quả cao

Kỹ thuật thả giống là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để quyết định thành công hay thất bại của một mùa vụ tôm nuôi.

Người xưa thường có câu “đầu xuôi thì đuôi lọt.” Quan điểm dân gian này không chỉ đúng với các lĩnh vực mang tính cộng đồng, đời sống mà còn hiệu nghiệm đối với nhiều ngành nghề hay lĩnh vực kinh tế. Nuôi thả tôm giống cũng không phải là ngoại lệ, người ta tin rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả nuôi tôm chẳng hạn như: cách chăm sóc, kỹ thuật xây dựng ao nuôi, chất lượng con giống,…

Tuy nhiên có thể nhiều người quên mất rằng, kỹ thuật thả giống cũng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu – để quyết định thành công hay thất bại của một mùa vụ tôm nuôi, mang lại năng suất và kết quả nuôi thả đạt mức kỳ vọng của bản thân người nông dân.

Để “đầu xuôi thì đuôi lọt” trong mỗi vụ mùa, bà con nông dân cùng với các nhà làm kinh tế, nuôi thả tôm quy mô từ nhỏ đến lớn đều cần chú ý đến các kỹ thuật thả giống tôm như sau.

Chuẩn bị đón nhận tôm giống

Trước khi thả giống, bạn cần phải chuẩn bị một số công việc sau đây để đảm bảo tôm giống được vận chuyển và thả vào ao một cách nhanh chóng, an toàn và khỏe mạnh:

  • Chuẩn bị đủ nguồn nhân lực và phương tiện để vận chuyển và thả tôm giống.
  • Chuẩn bị vị trí thả tôm thuận lợi nhất, gần đường cơ giới, hướng gió, dàn quạt nước và bờ ao vững chắc.
  • Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ thuần tôm giống như bể thuần tôm, máy sục khí, ống thả tôm, thức ăn tôm… Nếu thả trực tiếp, bạn cần chuẩn bị khung gièo bọc tôm ngay vị trí thả tôm (khung tre, ống nhựa, dây nhựa).
  • Chuẩn bị một số sản phẩm bổ sung giúp chống sốc và phục hồi nhanh sức khỏe tôm giống như khoáng, yucca, vitamin C, vitamin tổng hợp.
  • Chuẩn bị một số dụng cụ kiểm tra môi trường nước trong bọc tôm và trong ao nuôi trước khi thả như test kiềm, test pH, nhiệt kế, dụng cụ đo độ mặn…
  • Kiểm tra các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi trước khi thả, như nhiệt độ, pH, kiềm, độ mặn, oxy hòa tan, màu nước, độ đục, độ sâu…

(Xem Kỹ thuật chọn và thả tôm giống an toàn đạt tỷ lệ sống cao tại đây)

Thả giống - Thay đổi nhỏ nhưng mang lại hiệu quả caoTạo điều kiện cho tôm giống thích nghi với nhiệt độ nước

Trước khi thả tôm, kiểm tra độ mặn trong ao và điều chỉnh nếu cần thiết. Thả giống vào những ngày nhiệt độ ổn định, vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Một số vùng có thể áp dụng phương pháp đổ tôm từ túi ra chậu để loại bỏ những con tôm yếu hoặc chết do vận chuyển.

Thả giống - Thay đổi nhỏ nhưng mang lại hiệu quả caoThực hiện thả giống

Sau khi đã chuẩn bị xong, bạn có thể thực hiện thả giống theo hai phương pháp: thả giống trực tiếp và thả giống qua bể thuần. Mỗi phương pháp có những ưu và nhược điểm riêng, bạn cần lựa chọn phương pháp phù hợp với điều kiện của mình. Dưới đây là một số hướng dẫn cơ bản cho hai phương pháp này:

Thả giống trực tiếp

Đây là phương pháp đơn giản và tiết kiệm nhất, nhưng cũng có nhiều rủi ro nếu không thực hiện đúng cách. Bạn chỉ cần thả tôm giống từ bọc nilon xuống ao nuôi mà không cần qua bể thuần. Tuy nhiên, bạn phải đảm bảo rằng tôm giống có sức khỏe tốt, không có chênh lệch quá lớn các yếu tố môi trường nước giữa ao nuôi và bọc tôm giống (nhất là pH và độ mặn) và đặc biệt phải cân bằng nhiệt độ nước giữa bọc tôm và ao nuôi. Nếu không, tôm giống sẽ bị sốc, yếu, chết hoặc mắc bệnh.

Thả giống - Thay đổi nhỏ nhưng mang lại hiệu quả cao

Các bước thực hiện phương pháp này như sau:

  1. Thực hiện tốt các công tác chuẩn bị như đã trình bày ở phần trên (lưu ý không cần chuẩn bị bể thuần, máy sục khí cũng như thức ăn cho thuần môi trường).
  2. Sắp xếp khung tre trong ao ở vị trí thả để giữ bọc tôm giống.
  3. Chạy quạt nước ít nhất 5 giờ trước khi thả giống để tăng cường lượng oxy hòa tan trong nước.
  4. Ngâm bọc tôm giống vào vào vị trí gièo đã thiết kế sẵn, khoảng 15-20 phút để cân bằng nhiệt độ (thời gian thuần nhiệt độ tùy thuộc vào sức khỏe tôm giống và mức độ chênh lệch nhiệt độ giữa bọc tôm và nước ao nuôi).
  5. Sau khi nhiệt độ đã cân bằng, thả tôm giống vào ao nuôi, và tạt vitamin C ngay tại vùng thả để hỗ trợ tôm giống hồi phục nhanh chóng và chống sốc. Nếu cần, có thể bổ sung thêm khoáng sau 30 phút từ lúc thả tôm giống để giúp chúng mau cứng vỏ sau quá trình lột xác.

Thả giống qua bể thuần

Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả hơn, nhưng cũng tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Bạn cần sử dụng bể thuần tôm, máy sục khí, ống thả tôm và thức ăn tôm để giúp tôm giống thích nghi dần với môi trường nước trong ao nuôi trước khi thả. Đây là cách để giảm thiểu rủi ro về sốc, yếu, chết hoặc mắc bệnh cho tôm giống.

Thả giống - Thay đổi nhỏ nhưng mang lại hiệu quả caoCác bước thực hiện phương pháp này như sau:

  • Chuẩn bị một bể phù hợp với mật độ thả tôm giống 300 – 500 PL/l nước. Trong bể thuần cung cấp đầy đủ oxy trước khi cho tôm vào bể, sục khí liên tục.
  • Cho toàn bộ tôm giống vào bể thuần, kiểm tra các yếu tố môi trường nước trong bọc tôm giống (nhiệt độ, pH, kiềm, độ mặn) với các yếu tố môi trường nước ngoài ao nuôi. Nếu có sự chênh lệch quá lớn, cần phải điều chỉnh kịp thời.
  • Thêm nước từ ao nuôi vào bể từ từ để cân bằng nhiệt độ và các yếu tố môi trường. Tốc độ thêm nước nhanh hay chậm tùy thuộc vào sức khỏe tôm giống và mức độ chênh lệch các yếu tố môi trường giữa ao nuôi so với trong bọc tôm giống. Ví dụ: tôm giống khỏe mạnh, linh hoạt, mức độ chênh lệch các yếu tố môi trường (đặc biệt là nhiệt độ và pH) giữa ao nuôi và nước trong bọc tôm thấp thì có thể thêm nước nhanh hơn và thuần tôm trong thời gian ngắn hơn.
  • Nếu phải thuần tôm trong thời gian dài nên bổ sung thêm thức ăn, giúp tôm nhanh hồi phục và không cắn nhau. Có thể sử dụng thức ăn công nghiệp (dinh dưỡng cao) hoặc artemia sống. Lượng thức ăn sử dụng cho thuần tôm khoảng 100g/100,000 PL (60 phút cho ăn một lần). Thời gian thuần tôm tùy thuộc vào độ chênh lệch cao hay thấp giữa các yếu tố môi trường trong bọc tôm và môi trường ao nuôi.
  • Tạt vitamin C (5ppm) và vitamin tổng hợp (1ppm) vào bể thuần để giúp tôm nhanh phục hồi, giảm stress.
  • Sau khi cân bằng các yếu tố môi trường nước, tôm giống hoạt động mạnh thì tiến hành thả tôm ra ao nuôi, mở van hoặc sử dụng ống nhựa hút tôm từ bể thuần tôm xuống ao nuôi.

(3 sai lầm thường gặp khi nuôi tôm thẻ chân trắng)

Chăm sóc tôm trong những ngày đầu sau khi thả

  • Cho tôm ăn vào ngày tiếp theo sau khi thả để tạo thói quen ăn mồi và tập cho tôm quen với thức ăn công nghiệp.
  • Cung cấp thức ăn cỡ nhỏ từ 5-7 lần/ngày trong giai đoạn đầu để hỗ trợ hệ tiêu hóa.
  • Bắt đầu làm sàng/nhá/vó từ ngày thứ 10 để kiểm soát lượng thức ăn và theo dõi sức khỏe tôm.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về kỹ thuật thả giống tôm sao cho hiệu quả nhất. Nếu bạn cần thêm thông tin hay tư vấn về tôm giống, kỹ thuật nuôi, bệnh thường gặp, hãy liên hệ với Tôm giống Nam Miền Trung qua số Hotline 0906 68 68 68. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn mọi lúc mọi nơi. Chúc bạn nuôi tôm thành công và bền vững!

Share this post

Back to Bài viết
Kính mời Anh/Chị tham gia nhóm

Giải Pháp Nuôi Tôm Thành Công

Trên ứng dụng Zalo
Tập đoàn Nam Miền Trung với mong muốn tạo ra một môi trường trao đổi thông tin, nơi mọi thành viên có thể chia sẻ kiến thức, trao đổi về các vấn đề liên quan đến tôm giống, kĩ thuật nuôi,... Chúng tôi sẽ có những chuyên viên kĩ thuật, kinh doanh dày dạn kinh ngiệm để tư vấn cho Anh/Chị khi cần.
close-link
contact-page