Back to Bài viết
Post Date: 04/09/2021

Sau 7 tuần giãn cách tôm thẻ miền Tây tăng giá trở lại

Sau gần 2 tháng giảm giá vì ảnh hưởng dịch Covid-19, tôm thẻ tại một số tỉnh miền Tây đã tăng nhẹ. Một số doanh nghiệp dự báo giá tôm thẻ tăng mạnh sau kỳ nghỉ lễ.

Chiều 3/9, nhiều nông dân huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thu hoạch tôm thẻ bán với giá cao hơn trước kỳ nghỉ lễ quốc khánh 2/9. Nếu như một ngày gần đây, tôm thẻ chỉ tăng giá ở loại kích cỡ lớn, loại từ 40 con/kg trở lên thì tới ngày 3/9, tôm kích cở nhỏ cũng tăng theo khiến người nuôi phấn khởi.

“Giá tôm hôm nay tăng 6.000-7.000 đồng/kg so với tuần trước nên tôi thu hoạch ao thẻ chân trắng loại 40 con/kg. Doanh nghiệp tại thị trấn Trần Đề đưa xe đến ao mua tôm với giá 115.000 đồng/kg”, một nông dân ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề chia sẻ.

Giá tôm tăng lần đầu sau gần 7 tuần

Cùng ngày, chủ một doanh nghiệp tại huyện Trần Đề báo tin vui rằng giá tôm thẻ loại 30 con/kg giao dịch tại ao với giá 133.000 đồng/kg. Loại 40 con/kg là 115.000 đồng; 50 con 104.000 đồng, 60 con 94.000 đồng, 70 con 87.000 đồng, 80 con 82.000 đồng, 90 con 77.000 đồng, 100 con 72.000 đồng/kg.

Theo anh Lưu Trường Giang (ngụ tại huyện Trần Đề), với giá tôm thẻ ngày 3/9 người nuôi có lãi tốt, mỗi kích cở tăng bình quân 6.000-8.000 đồng/kg. Theo anh Giang, có thể qua kỳ nghỉ lễ quốc khánh, giá tôm thẻ sẽ tăng 10.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú, cho biết giá tôm thẻ tăng nhưng còn nhẹ. Vị này nhận định giá tôm thẻ sau lễ sẽ tăng khá.

Chủ doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau đưa ra giá tôm thẻ ngày 2/9 dao động khoảng 293.000-306.000 đồng loại 15 con/kg. Có 5 loại giá chênh lệch với nhau 3.000 đồng tùy theo độ ẩm trong lô tôm.

Loại 20 con/kg, doanh nghiệp Cà Mau cho giá khoảng 218.000-231.000 đồng/kg; loại 25 con/kg khoảng 158.000-171.000 đồng/kg, loại 30 con khoảng 135.000-148.000 đồng/kg. Theo bảng giá này, tôm thẻ loại 50 con/kg giá cũng cải thiện nhiều so với tuần trước khi tăng từ mức dưới 90.000 đồng lên 96.000-109.000 đồng/kg.

Tôm thẻ loại 100 con/kg giá giao động 71.000-83.000 đồng/kg cũng giúp nông dân thu hồi được vốn nếu sau một tháng nuôi mà đàn tôm không may bị bệnh.

Tôm thẻ “chợ” kích cở 110-155 con/kg cũng được doanh nghiệp mua với giá thấp nhất từ 54.000 đồng/kg.

Tôm thẻ loại lớn được ưu tiên giá

Theo ông Lê Văn Quang, doanh nghiệp thủy sản vẫn còn áp dụng “3 tại chỗ” do ảnh hưởng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Vì vậy, Công ty Minh Phú chỉ có 25% công nhân sản xuất.

“Khi bỏ cách ly xã hội, có 100% công nhân tham gia sản xuất thì giá tôm sẽ tăng mạnh”, ông Quang chia sẻ.

Ông Đỗ Ngọc Tài, Giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm Ngọc Trí (Bạc Liêu), cho biết tôm kích cỡ lớn từ 40 con/kg trở lên được ưu tiên mua với giá cao. Lý do giá tôm loại lớn đang tăng khoảng 5% là do doanh nghiệp ít công nhân, mua về chế biến ngay, chi phí sản xuất thấp hơn tôm kích cở nhỏ.

Theo ông Tài, tôm thẻ loại 40 con/kg đang được doanh nghiệp này mua với giá 112.000 đồng/kg, tăng 3.000-4.000 đồng/kg. Loại 30 con/kg, doanh nghiệp ở thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) mua với giá 132.000-133.000 đồng/kg (tăng 5.000-6.000 đồng/kg); loại 25 con/kg dao động 147.000-150.000/kg và loại 50 con/kg giá 95.000 đồng/kg (tăng nhẹ khoảng 2.000 đồng/kg).

Một Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết giá tôm doanh nghiệp đưa ra 5 mức để áp vào độ ẩm sẽ được đại lý lấy mức giá thứ 3. Sau khi lấy giá này trừ 5.000 đồng sẽ cho ra giá thật tại ao để đại lý giao dịch với người nuôi.

Ví dụ, giá tôm thẻ loại 25 con/kg có 5 mức giá được tính theo tỷ lệ độ ẩm lần lượt là 171.000, 168.000, 164.000 ,161.000 và 158.000 đồng/kg. Đại lý sẽ lấy mức giá thứ 3 (164.000 đồng) trừ 5.000 đồng để mua với giá 159.000 đồng/kg.

Tại vùng chuyên nuôi tôm sú của tỉnh Bạc Liêu là huyện Phước Long, chủ vựa thủy sản Lê Văn Dũng mua tôm sú loại 30 con/kg giá 180.000 đồng/kg, 50 con/kg giá 132.000 đồng/kg.

“Tôm sú loại 30 con/kg, giảm mỗi con giá tăng thêm 2.000 đồng/kg. Giá tôm sú thấp hơn tuần trước bình quân 5.000 đồng/kg do vận chuyển khó khăn”, ông Dũng nói.

Trong chuyến làm việc với các công ty thủy sản tại thị xã Giá Rai và huyện Đông Hải ngày 2/9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận được các doanh nghiệp trình bày những khó khăn trong công tác vận chuyển và chế biến tôm. Do thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, công nhân và người lao động được cắt giảm từ 50-60% so với trước ngày 19/7 (thực hiện Chỉ thị 16).

Những doanh nghiệp thủy sản duy trì sản xuất đã thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” và vận động công nhân làm cam kết không tiếp xúc với người ngoài công ty để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài việc đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các công ty tiếp tục làm tốt hơn nữa các phương án phòng chống dịch, nhằm đảm bảo duy trì sản xuất để đảm đảm mục tiêu kép.

Nguồn: zingnews.vn

Share this post

Back to Bài viết
Kính mời Anh/Chị tham gia nhóm

Giải Pháp Nuôi Tôm Thành Công

Trên ứng dụng Zalo
Tập đoàn Nam Miền Trung với mong muốn tạo ra một môi trường trao đổi thông tin, nơi mọi thành viên có thể chia sẻ kiến thức, trao đổi về các vấn đề liên quan đến tôm giống, kĩ thuật nuôi,... Chúng tôi sẽ có những chuyên viên kĩ thuật, kinh doanh dày dạn kinh ngiệm để tư vấn cho Anh/Chị khi cần.
close-link
contact-page