Back to Bài viết
Post Date: 30/03/2023

Chủ động nguồn tôm bố mẹ trong nước để hạn chế phụ thuộc nhập khẩu

Ngày 24/3/2023, tại Ninh Thuận, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký Quy chế phối hợp năm 2023”.

Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến; Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp của 26 tỉnh, thành ven biển và các doanh nghiệp nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh, thành.

Tổng cục Thủy sản cho biết, nuôi tôm nước lợ năm 2022 đạt kết quả khả quan với sản lượng đạt 1.080,6 nghìn tấn, tăng 8,5% so với năm 2021. Hàng năm, tôm nước lợ đóng góp 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản (tương đương 3,5 – 4 tỷ USD). Trong đó tôm giống đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất, quyết định phần lớn sự thành công và hiệu quả sản xuất.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2022, cả nước có 2.104 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng đạt 160,2 tỷ con, bằng 110% so với năm 2021. Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định) có 687 cơ sở sản xuất, ương dưỡng (chiếm 32,6% số cơ sở), sản lượng đạt 72,3 tỷ con (chiếm 45,2% sản lượng của cả nước).

Vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”

Tổng cục Thủy sản nhìn nhận, thời gian qua công tác quản lý giống tôm nước lợ đã đạt được nhiều kết quả, như: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như tài liệu hướng dẫn góp phần quản lý tốt hơn giống tôm nước lợ đã được ban hành. Một số địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ tiêu biểu. Đã hình thành được liên kết giữa vùng sản xuất và vùng tiêu thụ tôm giống, góp phần ổn định sản xuất. Với sản lượng tôm giống 160,2 tỷ con đã đáp ứng được nhu cầu thả nuôi của người dân.…

Tuy nhiên cũng còn một số hạn chế như: Một số địa phương vùng ĐBSCL còn chậm trong triển khai kiểm tra cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản. Kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn rất hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên trong nước mới cung cấp được một phần. Vào mùa cao điểm thả giống, tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm vẫn còn số lượng lớn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch…

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung cho rằng, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam hàng năm đạt 4 tỷ USD, đóng góp 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản; giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó ngành tôm hiện cũng đang đứng trước nhiều khó khăn như: Dịch bệnh không ngừng phát sinh trong khi các nghiên cứu giải pháp để đáp ứng xu hướng phòng ngừa dịch bệnh còn hạn chế; hạ tầng và hệ thống thủy lợi phục vụ ngành nuôi tôm gần như chưa đáp ứng được; giá cả hàng hóa đầu vào phục vụ nuôi tôm luôn tăng, ít được kiểm soát; nhiều cơ chế chính sách không có hoặc khó thực thi, tiếp cận…

“Trước những khó khăn trên, hiện số lượng người tham gia nuôi tôm giảm đi đáng kể; số còn lại thu hẹp diện tích sản xuất, giảm số vụ; giảm mật độ thả nuôi. Những mắt xích tham gia trong ngành đang chống chọi với thách thức để duy trì và tồn tại, do đó xuất hiện nhiều cơ sở, doanh nghiệp làm ăn gian dối. Nếu chúng ta không nhìn đúng sự thật, cùng nhau tìm giải pháp gỡ khó thì ngành tôm Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh lớn, áp lực ngày một tăng, dẫn đến việc dần mai một và biến mất”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói thêm.

Giải pháp tháo gỡ

Thảo luận trong Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, sản xuất giống tôm nước lợ trong nước còn bộc lộ nhiều tồn tại. Do đó, thời gian tới, các địa phương cần thực hiện nghiêm quy chế phối hợp để nâng cao quản lý chất lượng tôm giống.

Tổng cục Thủy sản cũng đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong phát triển tôm giống. Cụ thể như: Nghiên cứu, gia hóa và chọn tạo tôm sú bố mẹ, tôm thẻ chân trắng bố mẹ tăng trưởng nhanh, có khả năng kháng một số bệnh thường gặp để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất.

Ký kết “Quy chế quản lý giống tôm nước lợ năm 2023” giữa các địa phương

Theo Tổng cục Thủy sản, ngành đặt ra nhiệm vụ sản xuất giống tôm nước lợ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ cho các vùng nuôi thương phẩm. Đồng thời đề xuất bổ sung và tập trung thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để hoàn thiện quy trình công nghệ trong khâu chọn tạo, sản xuất tôm giống. Cùng với đó là khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu hợp tác với các đơn vị nghiên cứu có uy tín để tiếp cận, nhận chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu, đặc biệt là công nghệ chọn tạo giống.

Ngành thủy sản xác định, tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ, vì vậy trong nước cần chủ động nguồn tôm bố mẹ để hạn chế phụ thuộc tự nhiên và nhập khẩu. Các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất tôm giống cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng để cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Cùng với đó là phải điều chỉnh các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tập trung nguồn lực, lựa chọn đơn vị đủ năng lực giao nhiệm vụ nghiên cứu lâu dài về chọn tạo giống tôm nước lợ, đặc biệt là tôm sú để phù hợp với mỗi tiểu vùng sinh thái của nước ta. Cần chọn tạo tôm giống theo hướng: Sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh, tăng trưởng nhanh. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh sản phẩm vào thực tế sản xuất.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PNTT Phùng Đức Tiến cho biết, năm nay ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu, diện tích thả nuôi là 750.000 ha; sản lượng là 1.080 nghìn tấn. Theo đó, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 – 270.000 con; tôm giống cần 140 – 150 tỷ con. Do đó, việc quản lý tôm giống đảm bảo chất lượng, an toàn với bệnh dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm.

Để làm tốt mục tiêu đặt ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thủy sản, các đơn vị liên quan thuộc Bộ và các địa phương tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tổ chức sản xuất lại theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở tôm giống nhỏ lẻ thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; ban hành hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ phù hợp theo đặc thù của từng khu vực, tăng cường quản lý chặt chẽ giữa vùng sản xuất tôm giống tập trung và vùng nuôi tôm trọng điểm.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan thuộc Bộ như các Viện nghiên cứu, Cục Thú y… cần chú trọng thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trong khâu chọn tạo giống, chuyển giao các quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại cho các cơ sở, hộ nuôi; thường xuyên kiểm soát chất lượng tôm nhập khẩu và kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng tại các cơ sở; kiểm soát tốt dịch bệnh trên giống tôm trước khi cung cấp đến hộ nuôi… để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu theo quy định.

Tại Hội nghị, với sự chứng kiến của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các địa phương đã ký “Quy chế quản lý giống tôm nước lợ năm 2023”, nhằm tăng cường quản lý, chia sẻ thông tin, góp phần hạn chế tôm giống không đảm bảo chất lượng lưu thông đến các vùng nuôi trọng điểm.

Nguồn: Tổng cục Thủy Sản

Share this post

Back to Bài viết
Kính mời Anh/Chị tham gia nhóm

Giải Pháp Nuôi Tôm Thành Công

Trên ứng dụng Zalo
Tập đoàn Nam Miền Trung với mong muốn tạo ra một môi trường trao đổi thông tin, nơi mọi thành viên có thể chia sẻ kiến thức, trao đổi về các vấn đề liên quan đến tôm giống, kĩ thuật nuôi,... Chúng tôi sẽ có những chuyên viên kĩ thuật, kinh doanh dày dạn kinh ngiệm để tư vấn cho Anh/Chị khi cần.
close-link
contact-page