Thắng lớn các vụ tôm nhờ sử dụng giống chất lượng
Thời gian gần đây, nhiều người dân ở ấp An Hoà, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre thường truyền tai nhau, nói về cặp vợ chồng nuôi tôm giỏi, theo đó, lợi nhuận luôn đạt cao hơn những hộ dân nuôi lân cận. Cặp vợ chồng này là chị Trương Thị Dung (39 tuổi và anh Nguyễn Văn Ngàng).
Chị Dung bên ao nuôi tôm của gia đình.
Gặp phóng viên, vợ chồng chị Dung khiêm tốn cho hay, kinh nghiệm nuôi tôm của họ vẫn còn ít, chủ yếu nhờ những kiến thức học được từ những hộ nuôi lâu năm. Ngoài ra, yếu tố con giống cũng góp phần lớn dẫn đến vụ nuôi có thành công hay không.
“2 vụ tôm vừa qua, gia đình tôi mua tôm giống từ Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung (Bình Thuận). Khi nuôi, tôm giống của công ty này phát triển tốt, ít bệnh, đỡ công chăm sóc. Vì vậy, khi tôm lớn, có hao hụt tý do thu hoạch cũng không ảnh hưởng tới năng suất. Thực tế, nuôi tôm đến khi được thu thì không tránh khỏi bị hao hụt trong lúc thu hoạch” – chị Dung nói.
Theo chị Dung, đối với loại giống tôm này, trong tháng đầu nuôi, tôm phát triển rất tốt và tiếp tháng sau đó tôm rất khoẻ, lớn nhanh. Trung bình thả 120.000 con tôm giống, sau 3 tháng nuôi, thu được 2,8 tấn tôm thương phẩm. Chị Dung khẳng định: “Tới đây, gia đình tôi luôn tin tưởng sử dụng loại tôm giống của Công ty Nam Miền Trung vì đơn vị này cũng là doanh nghiệp lớn có uy tín”.
Về chế độ cho ăn, khi con tôm còn nhỏ, chị Dung không rải quá nhiều thức ăn xuống ao. “Tôi thấy, nhiều người quan điểm thả nhiều thức ăn, tôm ăn nhiều thì lớn nhanh. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm tôi thì không phải, chỉ thả vừa đủ thức ăn là tốt nhất. Thừa thức ăn không những tốn chi phí mà còn làm ảnh hưởng tới môi trường của ao nuôi” – chị Dung chia sẻ.
Theo phóng viên tìm hiểu, do nhiều năm trồng lúa không hiệu quả (1 năm lợi nhuận chưa đạt 1 triệu đồng/1.000m2; khu vực này cách biển khoảng 2km), từ năm 2014, vợ chồng chị Dung quyết định chuyển 2.000m2 lúa sang nuôi tôm. Với diện tích trên, gia đình đào 1 ao nuôi khoảng 1.000m2 và 1 ao nuôi 500m2.
Mở rộng mô hình
Trong 9 vụ nuôi đã qua, vợ chồng chị Dung trúng lớn 6 vụ, 3 vụ còn lại hoà vốn. Ở 3 vụ hoà vốn này, vùng nuôi tôm của ấp An Hoà ai cũng mất trắng do bệnh đốm trắng trên tôm. “Trong các vụ trúng, có vụ gia đình tôi lời được 250 triệu đồng, yếu nhất là cũng lời được 50 triệu đồng, cho hiệu quả gấp rất nhiều lần cấy lúa trước đây”.
Chị Dung cho biết, một số hộ nuôi tôm ở địa phương lân cận có đến gia đình hỏi về “bí quyết” nuôi. Theo đó, gia đình cũng giải thích rõ là phải chọn con giống thật tốt của công ty uy tín như trên cũng như chỉ thêm “mẹo” nhỏ là nên tìm những khu vực đất mới (chưa từng nuôi tôm) và có nguồn nước tương đối sạch để nuôi, đảm bảo cho tôm không bị lây lan dịch bệnh.
Để phát triển hơn nữa trong nghề nuôi tôm, gia đình chị Dung đã bán ghe cào trị giá 120 triệu đồng, mua thêm 2.000m2 đất để đào ao nuôi.
“Do chỉ có hai vợ chồng, chủ yếu lấy công làm lời nên chúng tôi không hấp tấp, vội vàng mà từ từ mở rộng quy mô, từ từ đúc kết kinh nghiệm. Chứ không phải hễ thấy ngon ăn là cứ làm liều được” – chị Dung nói.
Thời gian tới đây, ngoài tự lực, phía gia đình vẫn muốn cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, còn Công ty Nam Miền Trung cung cấp tôm giống cần hỗ trợ thêm về kỹ thuật bởi thời tiết thường có diễn biến bất thường.
Theo phóng viên tìm hiểu, nhờ nuôi tôm thành công mà gia đình vợ chồng chị chị Dung đến nay đã có “bát ăn, bát để”, xây căn nhà tường khang trang, nuôi con ăn học đàng hoàng. Đứa con gái lớn của gia đình chị Dung luôn có thành tích học tập tốt ở tất cả các môn học, hàng năm đều có giấy khen của ngành giáo dục huyện và tỉnh. Chị Dung cũng luôn vui vẻ, sẵn sàng chia sẻ những bí quyết thành công cho nhiều bà con mỗi khi tìm đến hỏi kinh nghiệm nuôi tôm.
Nguồn: Tạp chí thủy sản