Quản lý độ pH trong ao nuôi tôm
pH nước biến động nhiều sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe tôm. pH tăng cao dẫn đến nồng độ NH3 (khí Amoniac) trong nước tăng cao; pH thấp, làm hàm lượng H2S (khí hydro sulfua) trong ao nuôi tăng cao. Đây là hai loại khí cực kỳ nguy hiểm, trực tiếp gây độc cho tôm. Để biết được chính xác độ biến động trong mức cho phép của pH thì nên tiến hành đo pH 2 lần/ngày vào sáng (6 giờ) và chiều (14 giờ).
Hạ pH
Trong trường hợp pH tăng cao trong quá trình nuôi, nếu pH > 8,3 vào buổi sáng, có thể dùng đường cát hoặc mật rỉ đường kết hợp với vi sinh với liều lượng 3 kg/1.000 m3, sử dụng vào ban đêm.
Chạy quạt nước với công suất tối đa 24/24 để đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho ao. Mật độ thả thưa thì hàm lượng ôxy là 4 ppm, nhưng mật độ dày thì ôxy phải đảm bảo > 5 ppm
Độ trong ảnh hưởng đến biến động của pH, trong quá trình nuôi, nên chủ động điều chỉnh sao cho độ trong chỉ đạt 30 cm, không nên để dưới 25 cm.
Tăng pH
Ngoài giải pháp bón vôi và phơi ao, làm tăng độ thông thoáng, khoáng hóa lớp bùn đáy ao, có thể bón thêm phân. Trước khi lấy nước vào ao nuôi bón thêm khoáng chất cho đáy ao.
Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước ao. Trước những cơn mưa lớn cần rải vôi tôi Ca(OH)2 xung quanh bờ ao với lượng 10 – 20 kg/m2 để tránh hiện tượng pH giảm thấp đột ngột.
Trong trường hợp muốn pH tăng nhanh, nên sử dụng 20 – 30 kg Cao / 1.000m3 , bón khi trời mát, chiều tối hoặc trời mưa. Hòa tan trong nước thật loãng rồi té khắp ao, kiểm tra pH rồi có thể tăng liều lượng. Để đo độ ổn định pH chính xác, cần chờ sau khi tạt vôi tối thiểu 2 giờ. Cũng có thể sử dụng vôi CaCO3, nhưng tác động tăng pH sẽ chậm hơn.
Dương Thảo – Nam Miền Trung