Nuôi tôm thẻ ao bạt
Ao được đầm nén kỹ bờ, trước khi lót bạt cần làm phẳng đáy ao, rải vôi nóng, nền đáy nghiêng về cống thoát nước, đáy ao cần được phơi khô.
Có thể dùng vải địa chống thấm (HDPE) hoặc bạt, các tấm được dán kín mép lại với nhau, trải lên toàn bộ nền đáy và bờ ao. Khi trải bạt phải vuốt bạt áp sát nền đáy, cần lắp 3 – 4 ống thoát khí nối từ dưới nền đáy lên trên bờ, tránh hiện tượng khí tích tụ phía dưới, đẩy bạt phồng lên khi đưa nước vào ao nuôi.
Nếu đã trải bạt nuôi tôm từ vụ trước thì tháo róc nước, dùng máy bơm cao áp xịt rửa sạch các chất bám bẩn trên mặt bạt, sau đó dùng nước Chlorine 5% té đều lên mặt bạt, phơi bạt sau 5 ngày mới lấy nước vào ao.
Sau 2 – 3 vụ cần lột bạt để phơi đáy ao, sau đó dán kín lại như ban đầu.
Cấp nước, thả giống
Cấp nước: Nước được lấy vào ao lắng khử trùng bằng Chlorine liều lượng 30 ppm (30 kg/1.000 m3 nước) sau 10 ngày mới lấy nước vào ao qua túi lọc, độ sâu nước ao 1,4 m trở lên.
Lắp đặt quạt khí: Hệ thống quạt nước có công dụng chính là tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước, tạo dòng chảy kích thích tôm bắt mồi, đồng nhất chất lượng nước tại mọi điểm trong ao, gom chất thải vào giữa ao, thuận tiện cho việc Siphong đáy.
Số lượng quạt khí, tùy theo diện tích nuôi mà bố trí dàn quạt khí nhiều hay ít, thông thường với dàn quạt 15 – 17 cánh thì nên lắp 2 dàn, đảo chiều nhau, đảm bảo khi vận hành tạo dòng nước chảy theo một chiều.
Tôm giống: Chọn những nhà cung cấp có uy tín. Tôm khi chuyển về phải được kiểm dịch và điều chỉnh độ mặn, pH giữa túi đựng tôm và ao nuôi, thả tôm lúc mát trời, cần cân bằng nhiệt độ trong ao và túi, tránh tôm bị sốc nhiệt, mật độ thả nuôi 100 – 300 con/m2 tùy theo diện tích ao nuôi và mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng.
Chăm sóc, quản lý
Thức ăn: Chọn thức ăn cho tôm được sản xuất bởi các hãng lớn. Thức ăn phải cho ăn đúng khẩu phần, hàm lượng đạm phải phù hợp từng giai đoạn phát triển của tôm, luôn kiểm soát lượng thức ăn để điều chỉnh tránh thừa hoặc thiếu. Không nên cho tôm ăn khi trời mưa vì có sự thay đổi nhiệt độ và độ mặn.
Trong suốt giai đoạn tôm lột xác, nên giảm lượng thức ăn và bổ sung thêm khoáng. Dùng sàng ăn để kiểm tra mức độ ăn của tôm để điều chỉnh thức ăn cho kịp thời.
Duy trì độ sâu nước ao để ổn định nhiệt độ. Sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch nước ao định kỳ 3 – 5 ngày/lần. Tiến hành Siphong đáy định kỳ 2-3 ngày/lần; khi Siphong đáy phải nhẹ nhàng, điều chỉnh van vừa phải, tránh tôm bị hút ra theo ống Siphong. Khi tôm lớn tiến hành Siphong đáy ao hàng ngày.
Kiểm soát các yếu tố môi trường: Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi (như pH, độ kiềm, ôxy, độ mặn) để có biện pháp khắc phục kịp thời khi có sự cố môi trường, nên duy trì các yếu tố môi trường ở ngưỡng thích hợp cho tôm, pH: 7,5 – 8,5; độ kiềm: >100 mg/l, ôxy hòa tan: 4 mg/l trở lên. Duy trì độ trong 35 – 40 cm. Màu nước duy trì ở màu xanh nõn chuối hoặc màu mận.
Sưu tầm