Mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt
Gamal M. Samadan và cộng sự 2018 đã tiến hành các thí nghiệm để đánh giá mật độ tôm phù hợp cho mô hình nuôi tôm trên cát ở Purworejo, Trung Java, Indonesia. Nghiên cứu này nhằm xác định hiệu quả sản xuất tôm thẻ chân trắng với mật độ thả giống khác nhau.
Thí nghiệm được tiến hành bằng cách sử dụng 9 ao và với mật độ tôm 100, 200 và 300 con/m2 với ba lần lặp lại. Cho ăn với hàm lượng protein 30% với 3% sinh khối mỗi ngày. Vitamin C và protein omega được sử dụng bổ sung vào chế độ ăn của tôm. Tần suất cho ăn là 4 lần/ngày vào lúc 07.00, 11.00, 15.00 và 20.00. Thức ăn đầu tiên trộn với Vitamin C (10 g thức ăn: 0,1 g Vitamin C) vào buổi sáng và protein omega (10 g thức ăn: 0,1 g protein omega) vào buổi chiều. Thức ăn được cho bằng cách trải rộng trên mặt ao, đặc biệt là ở rìa ao. Trao đổi nước được thực hiện định kỳ với 10% khối lượng của mỗi ao để duy trì chất lượng của nước ao. Quá trình trao đổi nước đã được thực hiện cùng với quá trình xi phông chất thải ở đáy ao. Cả hai quá trình này được thực hiện sau 25 ngày nuôi tôm đầu tiên và sau đó tiếp tục mỗi tuần 1 lần cho đến khi thu hoạch.
Các thông số như nhiệt độ, độ trong, pH, DO và độ mặn được đo lại hàng ngày, trong khi các thông số sinh học nitrat, nitrit, amoniac và tôm được quan sát, theo dõi 2 tuần một lần.
Kết quả
Kết quả cho thấy các thông số về độ mặn, pH, nitrit và nitrat không khác biệt đáng kể trong ba nghiệm thức. Tuy nhiên tham số ôxy hòa tan (DO) và amoniac ở nhóm tôm nuôi mật độ 100 con/m2 thấp hơn đáng kể so với các nhóm tôm có mật độ thả là 200, 300 con/m2 và các thông số TOD cũng khác nhau đáng kể giữa các nghiệm thức 100 và 200 (p <0,05). Nồng độ nitrat, nitrit và amoniac tăng theo thời gian, đặc biệt ở nhóm thả mật độ cao hơn, do lượng thức ăn cho tôm ăn nhiều hơn.
Kết quả cho thấy tỷ lệ sống có sự khác biệt đáng kể giữa ba nghiệm thức (p <0,05). Giá trị của tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) trong thời gian nuôi cũng thay đổi giữa ba nghiệm thức. FCR tăng lên khi mật độ tôm tăng lên. Giá trị FCR nhỏ nhất khi nuôi tôm ở mật độ 100 con/m2 là 1.00 và lớn nhất là mật độ 300 với FCR là 2.0.
Nhìn từ khía cạnh kinh tế, mật độ thấp tạo ra một kích thước tương đối lớn, và có giá bán cao hơn so với tôm cỡ tôm nhỏ. Bên cạnh đó, mật độ thả giống tối ưu có thể làm giảm chi phí hoạt động canh tác, đặc biệt là thức ăn và chi phí cho máy sục khí. Do đó, nuôi tôm trên cát có thể được áp dụng với mật độ thả là 100 hoặc 200 con/m2 khi được xem xét về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và FCR. Tuy nhiên để nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao cát lót bạt cũng được khuyến cáo phải chú ý đến quản lý chất lượng nước, đặc biệt là amoniac, thường xuyên xi phông chất thải và quản lý chất thải thân thiện với môi trường.
Nguồn: contom.vn