Kim Sơn – ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm
Nhằm phát huy lợi thế cũng như cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng; huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh vận động, hỗ trợ người dân ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản nhất là nuôi tôm cho hiệu quả cao.
Nhiều thuận lợi
Là huyện duy nhất tại Ninh Bình tiếp giáp với biển, Kim Sơn có hơn 15 km bờ biển, nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi thủy sản, trong đó có thế mạnh là tôm. Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản của toàn huyện là 4.080 ha. Trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước mặn, lợ là 3.115 ha, thủy sản nước ngọt khoảng 968 ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ tập trung tại địa phận các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải với các giống tôm, cua xanh, ngao… Từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản toàn huyện đạt trên 17.500 tấn.
Cùng với việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nhiều địa phương của huyện Kim Sơn như xã Chất Bình, Yên Lộc, Ân Hòa, Văn Hải, Kim Chính, Thượng Kiệm, thị trấn Bình Minh… đã tích cực quy hoạch các vùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, góp phần tăng diện tích nuôi, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết có nhiều biến đổi thất thường đã ảnh hưởng lớn đến nuôi thủy sản, gây thiệt hại lớn cho người nuôi theo phương thức quảng canh…
Chính vì vậy, ngành nông nghiệp huyện Kim Sơn đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi thủy sản nhằm ổn định sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, dưới sự giúp đỡ của ngành nông nghiệp huyện Kim Sơn, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi thủy sản đã được xây dựng thành công.
Giải pháp từ công nghệ cao
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao tạo ra một lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng tốt và đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường; năm 2016, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào việc phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản phù hợp với từng địa phương theo tinh thần “Mỗi làng một nghề, mỗi xã một sản phẩm”, đồng thời triển khai thực hiện 15 xã điểm thực hiện mô hình tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã. Việc ban hành Nghị quyết 05 phù hợp với điều kiện và tình hình sản xuất của tỉnh cũng như phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Chính phủ và của Bộ NN&PTNT hiện nay.
Cùng với việc triển khai thí điểm các mô hình ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách phát triển nông nghiệp, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, nhân rộng các giống cây trồng mới và tạo điều kiện thu hút các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Do vậy, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư, như: Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới tại huyện Kim Sơn; mô hình nuôi gà đẻ tại thành phố Tam Điệp; các mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao tại huyện Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn…
Bên cạnh những thuận lợi, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Kim Sơn hiện cũng còn những khó khăn nhất định đó là vấn đề về vốn, đất đai… Như chia sẻ của người dân và doanh nghiệp, sau dồn điền, đổi thửa, Ninh Bình bắt đầu tiến hành thử nghiệm tích tụ ruộng đất tạo điều kiện thu hút các cá nhân, doanh nghiệp có vốn, có tiềm lực vào đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhưng vì nhiều nguyên nhân nên việc tích tụ, tập trung ruộng đất còn hạn chế. Cùng đó, là cơ chế thông thoáng hơn để người sản xuất dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Như vậy, với những sáng tạo không ngừng của người nông dân, sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn, chúng ta có thể kỳ vọng vùng kinh tế biển Kim Sơn sẽ phát triển mạnh với nghề nuôi tôm hiệu quả, bền vững.
Nguồn: Tạp chí thủy sản