Back to Bài viết
Post Date: 19/02/2020

Kiểm soát tốt chất thải để đảm bảo chất lượng nước trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Việc thu gom và loại bỏ sớm chất thải ra khỏi ao nuôi tôm được coi là đặc biệt quan trọng. Rất nhiều người nuôi thất bại vì không biết hoặc coi nhẹ tiêu chí này hay cho rằng, chỉ cần sử dụng các chế phẩm vi sinh (probiotics) tốt thôi là có thể quản lý được chất lượng nước. Nuôi tôm chính là nuôi nước, chất lượng nước có tốt, tôm nuôi mới mau lớn, ít bị bệnh, có tỷ lệ sống cao.

Các ao nuôi tôm thẻ thâm canh thường có lượng chất thải rất lớn gồm thức ăn dư thừa, phân và các chất bài tiết của tôm, vỏ tôm lột và xác chết của các sinh vật nhỏ khác. Lượng chất thải lớn này sẽ làm cho chất lượng nước bị suy giảm nhanh theo thời gian, giảm ôxy hòa tan và gia tăng hàm lượng của các sản phẩm độc.

Diễn biến môi trường trong ao nuôi tôm thông thường sẽ theo trình tự như sau: Trong tháng nuôi đầu tiên, do lượng thức ăn đưa xuống ao chưa nhiều và ít chạy quạt nên màu nước thường không bền. Khi tảo tàn, nước ao bị trong và rong đáy dễ phát triển gây bất lợi cho tôm. Tiếp theo, khi môi trường nuôi đã bắt đầu giàu chất dinh dưỡng do thức ăn thừa và phân tôm phân hủy, tảo sẽ phát triển mạnh khiến cho độ pH biến động lớn trong ngày. Sản phẩm đầu tiên của quá trình phân hủy chất hữu cơ là NH4+- N sẽ có hàm lượng cao, khiến tảo phát triển, đặc biệt là tảo lục hoặc tảo lam. NH4+- N tăng đột biến khi tảo tàn. Nếu pH của môi trường ao cao hơn 8,3 NH4+- N sẽ bắt đầu chuyển sang dạng NH3 tự do và gây chết cho tôm khi đạt mức trên 1 mg/L. Khoảng 2 – 3 tuần sau khi gặp sự cố về NH3, có thể sẽ xảy ra sự cố về NO2- sản phẩm trung gian của quá trình nitrate hóa. Hàm lượng NO2- cao sẽ gây chết hoặc làm yếu tôm, tạo điều kiện cho bệnh bùng phát. Nếu ao nuôi được cung cấp đầy đủ ôxy và có sự hiện diện của vi khuẩn Nitrobacter, NO2- sẽ được chuyển hóa dần sang dạng không độc là NO3-.

Tất cả các quá trình nêu trên đều có sự tham gia của vi khuẩn và đều cần ôxy hòa tan. Chúng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nhanh hơn khi nhiệt độ nước tăng. Rủi ro trong các tháng nắng nóng vì thế cao hơn nhiều so bình thường.

Càng về cuối vụ nuôi, chất thải nhiều tạo điều kiện cho tảo và các sinh vật khác trong ao phát triển mạnh. Hiện tượng thiếu ôxy dễ dàng xảy ra, đặc biệt là về đêm và sáng sớm. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, quá trình phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện thiếu ôxy sẽ dẫn đến sự tích lũy khí độc H2S, rất nguy hiểm cho tôm.

Biện pháp xử lý các sự cố nêu trên thường là thay nước (để giảm thấp hàm lượng của các sản phẩm độc, muối dinh dưỡng, mật độ tảo hoặc vi khuẩn) kết hợp với sử dụng chế phẩm vi sinh. Tuy nhiên, đây là kiểu xử lý “phần ngọn của vấn đề” và chỉ có thể đem lại hiệu quả tạm thời. Môi trường nuôi rất dễ diễn biến xấu trở lại sau một thời gian ngắn. Chất thải chính là nguồn gốc của tất cả các sự cố này. Ao nuôi tôm có ít chất thải thì sẽ ít khi bị sự cố hoặc khi cần phải xử lý cũng sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn. Việc kiểm soát chất thải vì thế được coi là đặc biệt quan trọng và có thể được thực hiện một cách hiệu quả thông qua các biện pháp sau:

– Cải tạo đáy ao thật kỹ, loại bỏ hết bùn tích lũy từ vụ trước. Nếu có điều kiện nên lót bạt đáy ao khi nuôi tôm với mật độ cao (> 60 con/m2).

– Tạo và duy trì màu nước để phát triển thức ăn tự nhiên để tránh hiện tượng cho ăn nhiều quá mức trong 2 – 3 tuần đầu tiên. Tảo phát triển ở mức độ vừa phải sẽ giúp tạo độ đục tốt và hấp thụ bớt các sản phẩm độc.

– Tuyệt đối không cho ăn thừa. Chủ động giảm lượng thức ăn khi trời nắng nóng hoặc thời tiết thay đổi theo hướng bất lợi.

– Chủ động thu gom và xi phông chất thải đưa ra khỏi môi trường ao nuôi càng sớm càng tốt, không cho chúng có thời gian phân hủy.

– Duy trì quạt nước đủ mạnh và thường xuyên để cung cấp đủ ôxy cho các quá trình phân hủy, chuyển hóa vật chất trong ao.

– Sử dụng chế phẩm vi sinh hàng ngày để thúc đẩy quá trình chuyển hóa vật chất theo hướng có lợi.

contom.vn

Share this post

Back to Bài viết
Kính mời Anh/Chị tham gia nhóm

Giải Pháp Nuôi Tôm Thành Công

Trên ứng dụng Zalo
Tập đoàn Nam Miền Trung với mong muốn tạo ra một môi trường trao đổi thông tin, nơi mọi thành viên có thể chia sẻ kiến thức, trao đổi về các vấn đề liên quan đến tôm giống, kĩ thuật nuôi,... Chúng tôi sẽ có những chuyên viên kĩ thuật, kinh doanh dày dạn kinh ngiệm để tư vấn cho Anh/Chị khi cần.
close-link
contact-page