Hạn chế hiện tượng sốc nhiệt trên tôm
Tôm là nhóm động vật biến nhiệt, nhiệt độ cơ thể của chúng phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường nước. Bởi vậy, thay đổi nhiệt độ có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe tôm.
Nguyên nhân
Tôm thẻ chân trắng phát triển tốt ở khoảng 25 – 320C, không vượt quá 33,50C, không thấp dưới 180C. Nếu vượt ngưỡng cao hay thấp đều ảnh hưởng đến sức khỏe tôm và gây hiện tượng tôm chết hàng loạt. Sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, ngay cả trong phạm vi thích hợp, cũng có thể khiến cho tôm bị sốc (stress) dẫn đến tôm chết.
Hiện tượng tôm chết ở một số tỉnh ven biển những năm gần đây được xác định nguyên nhân chính là do hiện tượng biến đổi khí hậu (El-Nino). Khi mà nhiệt độ không khí ở mức 37- 380C, thời gian nắng kéo dài trong ngày cao hơn mức bình thường. Trung bình một ngày, thời gian nắng kéo dài 5 đến 6 giờ. Tuy nhiên hiện theo thống kê, số giờ nắng trong ngày kéo dài từ 9 đến 10 giờ. Do đó dẫn đến nhiệt độ nước ở các ao nuôi cũng tăng cao, tác động và gây sốc cho tôm làm cho tôm yếu, dễ bị bệnh và chết.
Phòng bệnh
Theo dõi các thông tin thời tiết thường xuyên, thông tin cảnh báo môi trường và dịch bệnh qua các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động trong kế hoạch sản xuất và có biện pháp phòng tránh thích hợp.
Khi trời mưa nhiệt độ xuống thấp hoặc khi nhiệt độ tăng cao, tôm giảm ăn vì vậy cần giảm lượng thức ăn 20 – 30%.
Cần tăng cường quạt nước khi trời mưa lớn hay nắng gắt nhằm tránh hiện tượng phân tầng trong ao.
Đảm bảo biên độ dao động nhiệt độ trong ngày không quá 30C. Khi thời tiết thay đổi như dông bão, mưa rào đột ngột phải chú ý và có biện pháp xử lý kịp thời.
Chấp hành đúng lịch thời vụ do Bộ NN&PTNT công bố hàng năm; Tôm giống có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch. Hệ thống ao đầy đủ: ao lắng, ao lọc, ao xử lý; ao nuôi có diện tích 1.000 – 3.000 m2, độ sâu nước 1,2 – 1,8 m sẽ đảm bảo nhiệt độ nước ổn định khi thời tiết biến động. Nuôi tôm theo đúng quy trình của Bộ NN&PTNT ban hành.
Nguồn: contom.vn