Back to Bài viết
Post Date: 22/05/2020

Các triệu chứng, dấu hiệu nhận biết của bệnh DIV1 trên tôm nuôi

Tác nhân gây bệnh và tên bệnh:
Vi rút thuộc loại DNA, một thành viên mới trong họ Iridoviridae, phân họ Betairidovirinae, chi Decapodiridovirus được đặt tên là decapod iridescent virus 1 (DIV1). Vi rút DIV1 được phát hiện lần đầu tiên trên mẫu tôm hùm nước ngọt (Cherax quadricarinatus) vào năm 2014 tại tỉnh Phúc Kiến (Fujian) của Trung Quốc và được đặt tên tạm thời là Cherax quadricarinatus iridovirus (CQIV). Tháng 12/2014, các nhà nghiên cứu tiếp tục phát hiện chủng vi rút mới iridescent tại trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) tại tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) của Trung Quốc và đặt tên là shrimp hemocyte iridescent virus (SHIV); sau đó vi rút tiếp tục gây bệnh cho các trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) tại một số tỉnh của Trung Quốc. Năm 2019, Ủy ban quốc tế về Phân loại vi rút (ICTV) đã công nhận CQIV và SHIV là 2 chủng vi rút mới và xếp vào chi Decapodiridovirus. Tháng 3/2019, Ủy ban quốc tế về Phân loại vi rút thống nhất đặt tên vi rút là decapod iridescent virus 1 (DIV1). Hiện nay, bệnh do DIV 1 chưa được Tổ chức Thú y thế giới bổ sung vào Danh mục bệnh bắt buộc phải khai báo của OIE.

Một số đặc điểm dịch tễ
– Phân bố địa lý: Thông tin ban đầu cho thấy bệnh mới chỉ xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 2014 tại tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang. Chương trình Quốc gia Giám sát vi rút DIV1 của Trung Quốc tiến hành từ năm 2017 đến nay đã phát hiện vi rút DIV 1 có mặt tại 9/15 tỉnh của Trung Quốc. Từ tháng 02 năm 2020, bệnh xuất hiện trở lại ở tỉnh Quảng Đông (Guangdong), Trung Quốc và đã gây ảnh hưởng cho khoảng 1/4 diện tích nuôi tôm ở tỉnh này. Theo một số nhà nghiên cứu, hiện nay cũng đã có báo cáo về mẫu dương tính vi rút DIV1 trên tôm sú P. monodon hoang dã ngoài tự nhiên vùng biển Ấn Độ Dương; tuy nhiên phân bố của vi rút này trên thế giới có thể rộng hơn nhiều do chưa được điều tra cụ thể.

– Loài cảm nhiễm: Vi rút DIV1 lây nhiễm cho tôm ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng (Postlarvae, tôm nhỡ và tôm trưởng thành) và đã được phát hiện gây bệnh trên các loài tôm như tôm trắng Thái Bình Dương, tôm sông và tôm đồng. Đến nay, đã phát hiện một số loài tôm cảm nhiễm vi rút DIV1, bao gồm: tôm hùm nước ngọt (Cherax quadricarinatus), tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei), tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii), tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkia), tôm càng nước ngọt (Macrobrachium nipponense) và tôm gai (Exopalaemon canrinicauda). Hai loài cua, gồm cua lông Hồng Kông (Eriocheir sinensis) và cua biển vằn (Pachygrapsus crasssipes) cũng bị nhiễm vi rút qua thử nghiệm (tiêm vi rút vào cơ) nhưng chưa được xác nhận là loài cảm nhiễm với vi rút.

– Đường truyền lây: Chưa xác định rõ

Triệu chứng, bệnh tích
– Triệu chứng bệnh:
+ Trên tôm thẻ chân trắng, dấu hiệu lâm sàng của tôm bị nhiễm DIV1 không điển hình, bao gồm các dấu hiệu: cơ thể có màu hơi đỏ, gan tụy teo và nhạt màu, dạ dày và ruột rỗng.
+ Trên tôm càng xanh: Dấu hiệu điển hình có thể được quan sát thấy ở tôm càng xanh (M. rosenbergii) bị nhiễm DIV1 là một vùng đặc trưng và màu trắng ở dưới hình tam giáp phần giáp đầu ngực.
+ Tôm bị bệnh ở giai đoạn cuối thường chìm xuống đáy và chết, tỷ lệ chết lũy kế trong ao có thể lên tới 80%. Thời gian gây chết 50% ao (LT50) của DIV1 trong thực nghiệm là 8,11 ± 0,81 ngày, gấp hai lần so với vi rút WSSV.
– Bệnh tích vi thể:
+ Các thể vùi tăng bạch cầu ái toan xen kẽ với nhuộm nhỏ basophilic và dấu hiệu karyopy chẩn (co rút nhân tế bào) trong các mô tạo máu, các cơ quan bạch huyết và huyết cầu trong mang, viêm xoang gan tụy và chân bơi khi nhuộm mô bệnh học bởi H & E.
+ Các hạt vi rút ánh kim hai mặt điển hình xuất hiện trong tế bào chất của các mô nói trên được quan sát ở mặt cắt siêu mỏng dưới kính hiển vi điện tử truyền qua.

Hình 1. P. vannamei khỏe mạnh (bên trái) và tôm bị bệnh do DIV1 (bên phải) nhạt màu, ruột rỗng (Qiu, 2017)

Hình 2. Gan tụy tôm P. vannamei, nhiễm DIV1 bị nhạt mầu (Qiu, 2017)

Hình 3. Khu vực màu trắng bên trong tam giác giáp đầu ngực của tôm càng xanh nhiễm DIV1 (Qiu, 2019a)

Hình 4. Mô bệnh học P. vannamei nhiễm DIV1. Mũi tên màu đen cho thấy các thể vùi tăng bạch cầu ái toan xen kẽ với nhuộm nhỏ basophilic, mũi tên màu trắng cho thấy nucleic bị co cụm. (a). mô tạo huyết; (b). mang; (c). xoang gan tụy, và (d). chân bơi. Nhuộm H&E, thanh 10µm. (Qiu, 2017)

Hình 5. Các hạt vi rút ánh kim hai mặt điển hình trong tế bào máu của P. vannamei bị nhiễm DIV1 (Qiu, 2017)

 

Share this post

Back to Bài viết
Kính mời Anh/Chị tham gia nhóm

Giải Pháp Nuôi Tôm Thành Công

Trên ứng dụng Zalo
Tập đoàn Nam Miền Trung với mong muốn tạo ra một môi trường trao đổi thông tin, nơi mọi thành viên có thể chia sẻ kiến thức, trao đổi về các vấn đề liên quan đến tôm giống, kĩ thuật nuôi,... Chúng tôi sẽ có những chuyên viên kĩ thuật, kinh doanh dày dạn kinh ngiệm để tư vấn cho Anh/Chị khi cần.
close-link
contact-page