Bí quyết nuôi tôm an toàn mùa mưa
Đồng Bằng Sông Cửu Long thời gian qua đã phải đối mặt với kiểu thời tiết mưa nắng thất thường. Trong đó, những cơn mưa lớn kéo dài tạo điều kiện lý tưởng cho dịch bệnh phát triển, gây thiệt hại không ít cho người nuôi tôm. Do đó, bà con nên áp dụng các bí quyết nuôi tôm an toàn mùa mưa để đề phòng dịch bệnh, tăng sức đề kháng, giảm thiệt hại trên tôm nuôi một cách tốt nhất.
Quản lý nhiệt độ và sự phân tầng nước ao: Khi mưa lớn kéo dài làm phân tầng giữa nước ngọt phía trên và nước mặn bên dưới. Điều này tạo sự phân tầng nước, làm cản trở oxy hòa tan xuống tầng nước dưới, làm tôm stress và còn tăng độc tính của khí độc dưới đáy ao. Ngoài ra, nếu nhiệt độ ao tôm chênh lệch đột ngột thì tôm dễ bị “sốc”, thậm chí chết tôm. Tôm thẻ chân trắng sẽ chết nếu nhiệt độ nước thấp hơn 15oC. Do đó, cần tăng cường chạy quạt nước khi thấy xuất hiện mưa lớn vừa tránh phân tầng nước, vừa cung cấp thêm oxy cho tôm.
Quản lý độ sâu của nước: Khi mực nước ao tôm cao do nước mưa cần xả bớt lượng nước tầng mặt để duy trì mực nước lý tưởng trong ao từ 1,2 – 1,5m.
Quản lý lượng khí độc trong ao tôm: Khi trời mưa, tảo thiếu ánh sáng mặt trời để quang hợp, tảo sẽ tăng cường hút nhiều oxy trong nước. Khi nồng độ oxy hòa tan thấp, khí độc sẽ sinh ra nhiều khiến cho tôm khỏe trở nên yếu và nhiễm bệnh. Nếu trời mưa lớn tạo thành sóng mạnh tác động đến đáy ao. Điều này làm cho chất thải ở đáy ao bị khuấy động, khí độc thoát ra và bao phủ khắp khu vực đáy ao. Khi phát hiện khí độc bà con nên siphon đáy ao, tăng cường chạy quạt nhằm bổ sung lượng oxy hòa tan trong nước. Tiến hành thay nước từ từ.
Quản lý độ pH trong ao: Độ pH trong ao nuôi luôn phải đạt từ 7.5 – 7.8, biến động sáng và chiều không quá 0.5 độ. Nước mưa làm tăng axit trong nước, làm cho pH nước ao giảm thấp. Để hạn chế giảm pH trong ao nuôi khi trời mưa, bà con nên rải vôi dọc bờ ao trước khi mưa khoảng 10kg/1000m2. Sau khi mưa, nên hoà vôi tạt xuống ao khoảng 10 – 20kg/1ha.
Quản lý độ kiềm về mức thích hợp: Tôm thẻ chân trắng độ kiềm thích hợp nằm trong khoảng 100 – 150 mg/l. Do đó, cần chú ý nếu sau mưa, độ kiềm nước ao tôm thấp thì bà con có thể bón vôi nóng, vôi canxi CaCO3 hay vôi dolomite, ngoài ra có thể sử dụng thêm bicarbonate để nâng kiềm nhanh.
Quản lý tảo độc trong ao tôm: Khi tảo xuất hiện dày đặc, bà con cho chạy quạt nước liên tục đến khi hết mưa mà không cần cho tôm ăn. Khi ngớt mưa có thể giảm 50% số lượng quạt nước và tiến hành cho tôm ăn. Bổ sung enzyme vào thức ăn của tôm thẻ chân trắng giúp tôm hấp thu được tối đa dinh dưỡng trong thức ăn để tăng trưởng và nâng cao sức đề kháng cho tôm.
Quản lý lượng oxy: Cần chuẩn bị oxy viên để đánh xuống ao khi mưa, nhằm đảm bảo lượng oxy trong ao, liều lượng 2 – 3kg trên 1000 m3 nước. Tăng cường quạt nước để giữ lượng oxy hòa tan ổn định trong ao.
Quản lý lượng thức ăn: Khi trời mưa, nhiệt độ giảm tôm sẽ giảm ăn. Nhiệt độ giảm 1oC đột ngột, tôm giảm ăn từ 5 -10%, nhiệt độ giảm đột ngột 3oC, tôm giảm ăn tới 30 – 50%. Bà con nên ngừng cho ăn, chờ đến khi ngớt mưa thì cho ăn với số lượng giảm 30 – 50% lượng thức ăn bình thường. Điều này nhằm hạn chế thức ăn dư thừa, tảo lục phát triển mạnh, pH nước ao dao động, tôm bị đóng rong.
=========================================
NAM MIỀN TRUNG – CAM KẾT TÔM GIỐNG XÉT NGHIỆM KHỎE MẠNH
Website: https://nammientrung.com/
info@nammientrung.com
Xã Vĩnh Tân – Huyện Tuy Phong – Tỉnh Bình Thuận
0906 686868
(0252)3853.88