Bảo vệ thương hiệu Tôm giống Bình Thuận
Bình Thuận đang tập trung phát huy lợi thế so sánh về sản xuất tôm giống; trong đó, đề cao vai trò Hiệp hội Tôm để bảo vệ thương hiệu. Chuyên san Con Tôm vừa hỏi chuyện ông Nguyễn Hoàng Anh (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Chủ tịch HH Tôm giống Bình Thuận xung quanh vấn đề này.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tôm giống, ông có đánh giá gì về hoạt động này của tỉnh?
Tôm giống là một trong những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Thuận. Bình Thuận có thời tiết quanh năm ổn định, có bờ biển dài, nước biển trong và độ mặn cao… Ngoài lợi thế về thời tiết, khí hậu, đất đai, Bình Thuận còn có truyền thống sản xuất tôm giống. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2014 tỉnh Bình Thuận có 150 cơ sở sản xuất giống thủy sản (667 trại); trong đó, sản xuất giống tôm sú 48 cơ sở; sản xuất, ương giống tôm thẻ chân trắng 93 cơ sở. Các cơ sở hầu hết được xây dựng khang trang, có đủ trang thiết bị và đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề. Một số cơ sở có quy mô lớn không ngừng mở rộng sản xuất, chất lượng tôm giống luôn được chú trọng, giữ vững uy tín trên thị trường cả nước. Đặc biệt, Bình Thuận cũng là tỉnh duy nhất trên cả nước đã thành lập được Hiệp hội Tôm, góp phần nâng cao chất lượng, uy tín, thương hiệu tôm giống Bình Thuận.
Vai trò Hiệp hội Tôm Bình Thuận thời gian qua thế nào, thưa ông?
Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận được thành lập năm 2011. Ngày 5/8/2015, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II (2015 – 2020), qua đó cũng thông qua nghị quyết đổi tên thành Hiệp hội Tôm Bình Thuận. 5 năm qua, Hiệp hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: thể hiện tốt vai trò đại diện các doanh nghiệp sản xuất tôm giống; có những đóng góp sát thực giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách; đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh tôm giống. Hiện nay, sản lượng tôm giống các doanh nghiệp hội viên cung cấp cho thị trường là hơn 20 tỷ con/năm, chiếm gần 80% sản lượng tôm giống của tỉnh Bình Thuận và chiếm 20% sản lượng tôm giống của cả nước. Thị trường tiêu thụ tôm của Hiệp hội cũng ở khắp các tỉnh trong cả nước và được người nuôi đánh giá cao về chất lượng. Nhiều địa phương trên cả nước cũng tìm đến Hiệp hội để học hỏi kinh nghiệm, từ đó mặt bằng chung về chất lượng tôm giống trên cả nước cũng ngày càng được nâng cao.
Đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội, ông sẽ làm gì để phát triển nghề tôm của tỉnh cũng như góp sức vào ngành tôm cả nước?
Tại Đại hội nhiệm kỳ II (2015 – 2020), tôi được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội, một trọng trách mới đầy khó khăn. Để không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu tôm giống của Bình Thuận cũng như góp phần phát triển ngành tôm cả nước, tôi dự kiến đẩy mạnh giải quyết bất cập còn tồn tại, đưa tôm giống Bình Thuận phát triển theo hướng công nghệ cao, hiệu quả và bền vững. Hiệp hội cũng đang xây dựng kế hoạch cụ thể; trong đó bước đột phá ở giai đoạn tới là việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm tôm giống Bình Thuận, để vừa hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, vừa khẳng định thương hiệu tôm giống toàn tỉnh. Trong đó, trước khi xuất bán ra thị trường, Hiệp hội sẽ cùng các cơ quan chức năng thực hiện quản lý yếu tố đầu vào (tôm bố mẹ, thức ăn, thuốc thú y và các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường); quản lý quá trình sản xuất và yếu tố đầu ra (tôm postlarvae, nauplii) để cam kết con giống chất lượng tốt nhất tới tay người nuôi.
Để trở thành một hiệp hội mạnh trong lĩnh vực tôm giống và có tiếng nói đáng kể cho ngành tôm giống, theo ông, cần phải làm gì?
Ngoài việc giúp các hội viên ngày càng lớn mạnh, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất vào quy trình sản xuất, đồng thời kiểm soát chất lượng đầu ra, đảm bảo con giống đạt tiêu chuẩn cao nhất đưa ra thị trường, còn một nhiệm vụ nữa là kiến nghị cơ quan chức năng để làm trong sạch ngành tôm. Thực tế cho thấy, trên thị trường tôm giống hiện nay, tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Nauplius mà tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn đang diễn ra phổ biến. Tình trạng tôm giống giả, kém chất lượng mượn thương hiệu, uy tín, nhãn mác các công ty uy tín bán cho người nuôi vẫn diễn ra; tình trạng gia hóa, chọn tạo tôm bố mẹ chưa được giám sát chặt chẽ, đúng quy trình và điều kiện sinh học cho phép vẫn còn tồn tại… Những tồn tại này dẫn tới thiệt thòi lớn nhất chính là người nuôi tôm. Do đó, Hiệp hội cũng sẽ kiến nghị mạnh mẽ tới các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp bảo vệ uy tín thương hiệu “Tôm giống Bình Thuận”; qua đó làm trong sạch, vững mạnh ngành tôm cả nước.
Thời gian tới, những hoạt động nào sẽ được Hiệp hội chú trọng?
Vai trò chính của Hiệp hội vẫn là đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên, nhất là các hội viên đang khó khăn về vốn, khoa học công nghệ, kỹ thuật; hỗ trợ vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hội viên. Có những kiến nghị kịp thời tới cơ quan chức năng để hoạch định chính sách, giúp đỡ hội viên lúc khó khăn. Bên cạnh đó, Hiệp hội hướng đến sản xuất đảm bảo kiểm soát về môi trường, giá thức ăn, thuốc thú y và cùng các cơ quan chức năng xây dựng dự báo mùa vụ chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả cho người nuôi tôm, hướng ngành tôm tới phát triển bền vững.
>> “Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận mở rộng phạm vi hoạt động, vận động kết nạp thêm hội viên sản xuất tôm thương phẩm và đổi tên thành Hiệp hội Tôm Bình Thuận. Những năm tới, tiếp tục đẩy mạnh vai trò của Hiệp hội, đưa ngành tôm Bình Thuận phát triển theo hướng công nghệ cao và bền vững” – ông Nguyễn Hoàng Anh nói về chiến lược hoạt động của Hiệp hội.
Theo Anh Tùng – Tạp chí Con Tôm