Hiệu quả từ mô hình tôm – lúa
Hiện nay, mô hình tôm – lúa đã được nhiều vùng đất ngập mặn ven biển Đồng bằng sông Cửu Long triển khai cho hiệu quả cao… Đây đánh giá là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sản phẩm chất lượng
Cà Mau có hơn 51.000 ha diện tích lúa – tôm, năng suất lúa đạt từ 3,5 – 3,6 tấn/ha; sản lượng tôm nuôi trung bình từ 400 – 460 kg/ha/năm. Con số này tại Sóc Trăng là trên 46.000ha và Bạc Liêu trên 37.000 ha, Kiên Giang trên 46.000 ha. Mô hình lúa – tôm được xác định là bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Gần 20 năm định hình mô hình sản xuất trên vùng đất mặn ven biển, gần đây, các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang hướng đến sản xuất lúa chất lượng, lúa thơm trên đất lúa – tôm. Sóc Trăng đã thành công với việc đưa bộ giống ST vào sản xuất trên đất lúa tôm này. Đầu tiên là ST5, rồi đến ST20, ST24 và gần đây là ST25 – giống lúa cho ra hạt gạo “ngon nhất thế giới”. Ông Lương Minh Quyết – Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng – nhận định: “Chúng tôi đã chuyển trên 50% diện tích cây lúa từ lúa thường sang lúa đặc sản, lúa thơm. Riêng lúa trên đất tôm, tỉnh ưu tiên phát triển lúa ST24, ST25 nhằm xây dựng nguồn nguyên liệu cho sản phẩm gạo ngon nhất thế giới”.
Mô hình tôm – lúa đã phát huy hiệu quả ở ĐBSCL
Ông Tạ Minh Bạch, ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết, ông có 6.000 m2 làm mô hình luân canh tôm – lúa. Theo đó, mỗi vụ nuôi tôm, ông thu về hơn 1,5 tấn tôm hàng hóa, trong khi cây lúa cũng thu về trung bình khoảng 500 kg/công. Ông Bạch nhận định, đây là mô hình sản xuất ăn chắc và rất bền vững, nhất là trước những thách thức của biến đổi khí hậu như hiện nay nên ông sẽ tiếp tục gắn bó trong thời gian tới.
“Làm mô hình tôm – lúa này lợi nhuận không lớn nhưng lại bền hơn. Tôm cũng có lãi mà lúa mình cũng có ăn. Bền vững là trồng một vụ tôm, rồi lại trồng một vụ lúa. Khi trồng lúa sẽ giúp cải tạo lại môi trường sạch, trong khi chất, phân tôm thì làm cho lúa tốt”, ông Tạ Minh Bạch chia sẻ.
Cà Mau, Kiên Giang cũng chọn bộ giống ngoài việc thích nghi với mô hình còn hướng đến chất lượng gạo, nhằm năng cao giá trị.
Thương hiệu gạo ngon, tôm sạch
Cà Mau khuyến cáo, tuyên truyền, vận động nông dân chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống lúa từ chất lượng thấp sang trồng các giống lúa có chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giống phù hợp với vùng đất nhiễm mặn như: ST20, ST24, OM2517, lúa lai BT-E1 và sử dụng nhóm giống lúa chất lượng cao OM5451, OM6162, Camau1, Camau2… Theo ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, việc sản xuất lúa chất lượng như vậy, đồng nghĩa với việc sử dụng ít phân bón. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với nuôi tôm vụ sau. Con tôm vì vậy cũng sạch, không có kháng sinh, chất lượng cao. Thực tế, Cà Mau đã xây dựng được vùng nguyên liệu tôm sạch tại hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc xây dựng thương hiệu tôm sạch cho tỉnh vẫn vấp phải những khó khăn nhất định.
Trong khi đó, tại Bạc Liêu, các doanh nghiệp, hợp tác xã tôm sạch lần lượt ra đời. Gần đây, một doanh nghiệp ký kết với trên 5.000 hộ nông dân nuôi tôm tại mô hình lúa – tôm cung cấp sản phẩm tôm sạch cho doanh nghiệp. Bù lại doanh nghiệp hỗ trợ con giống, kỹ thuật cho các hộ nuôi. Theo Sở NN&PNT Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu được Chính phủ giao xây dựng thủ phủ tôm, tỉnh làm cầu nối cho doanh nghiệp ký kết với người nuôi tôm nhằm hướng đến tôm sạch, xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu.
Còn Sóc Trang, huyện Mỹ Xuyên đang xây dựng đề án “lúa thơm tôm sạch”, đặc biệt huyện Mỹ Xuyên sẽ khai thác và đưa những dòng lúa ST đặc sản của tỉnh, nhất là ST25, vừa được công nhận gạo ngon nhất thế giới để bà con canh tác. Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đang xây dựng tuyến đường trục từ trung tâm thành phố Sóc Trăng về vùng kinh tế trọng điểm tôm – lúa của Mỹ Xuyên, với kinh phí gần 1.200 tỷ đồng.
Gạo ngon, tôm sạch là mục đích các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến. Vấn đề còn lại là cần quảng bá thương hiệu này rộng rãi đến người tiêu dùng.
Thái Linh