Xác nhận virus mới gây dịch bệnh “thủy tinh” trên tôm post
Các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định một loại virus mới trên tôm giai đoạn postlarvae, gây ra dịch bệnh gây chết hàng loạt tại các trại sản xuất giống.
Sau khi phân tích các mẫu được lấy từ trại giống ở tỉnh Quảng Đông qua kỹ thuật phản ứng chuỗi polymerase (PCR) và giải trình tự bộ gen của virus đã phát hiện sự hiện diện của virus với bộ gen mới. Phân tích đã chỉ ra rằng “glass post-larvae” là một loại virus RNA mới, nhỏ, được đặt tên tạm thời là virus hoại tử gan tụy và đường tiêu hóa (hepatopancreas and digestive tract necrosis virus – HINV)
Triệu chứng bệnh HINV được ghi nhận là tôm thẻ chân trắng giai đoạn hậu ấu trùng (post-larvae) trở nên gần như trong suốt hoàn toàn, giống như thủy tinh. HINV chủ yếu ảnh hưởng đến gan tụy, đường tiêu hóa và biểu bì. Thông thường, khi tôm bị bệnh thì cơ thể bị đổi màu và trong suốt do sự hoại tử của tuyến tụy và đường tiêu hóa.
Tỷ lệ tử vong đối với post-larvae vào ngày 4 sau khi xuất hiện triệu chứng là 100%. Nhóm nghiên cứu còn xác nhận virus này có thể lây nhiễm cho tôm trưởng thành. Tuy không gây chết nhanh như tôm giống, nhưng HINV vẫn lây nhiễm và làm tôm trưởng thành tử vong với tỷ lệ thấp và tốc độ lấy nhiễm chậm.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguồn lây của HINV là từ tôm bố mẹ hay trong môi trường nước nuôi. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các khu vực bị nhiễm bệnh là các trại không đảm bảo nguồn nước cấp, hoạt động sản xuất lâu năm (khoảng từ 4 năm), từng sản xuất ghép tôm thẻ với tôm càng xanh nên có thể gây ra lây chéo virus giữa các loài.
Mặc dù HINV đã được coi là một loại virus mới, nhưng có thể nó giống với các loại virus khác có trong môi trường. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature, trong đó các nhà khoa học tìm thấy 1.445 virus chưa được phát hiện trước đây ở 200 động vật không xương sống, bao gồm cả tôm. Nghiên cứu đã chứng minh tính linh hoạt bộ gen của virus RNA và sự tái tổ hợp thường xuyên thành các loại virus mới.
Ngoài ra, các mẫu tôm từ những trại giống phát hiện bệnh có sự hiện diện của nhiều loại tác nhận khác gây bệnh phổ biến ở tôm như đốm trắng, IHHNV, DIV1, EHP và Vibrio. Điều này có nghĩa là tôm giống có thể do nhiều dịch bệnh khác, chứ không hẳn tất cả nguyên nhân đều là do HINV.
Từ đầu năm nay, dịch bệnh cũ và mới liên tục bùng phát trên tôm nuôi khu vực châu Á, ngành nuôi tôm cần đề phòng và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
(Tin Thủy Sản)