Các phương pháp hóa giải thách thức trong nuôi tôm
Bất lợi về thời tiết đã có những tác động mạnh đến con tôm nuôi. Sức đề kháng của con tôm bị giảm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và gây hại trên nhiều diện tích nuôi ở khu vực ĐBSCL từ đầu vụ đến nay.
Thiệt hại ngày một tăng
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, tình trạng nắng nóng kéo dài từ đầu vụ đến nay đã làm cho các vuông nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, đặc biệt là các vùng nằm sâu trong nội đồng thiếu lượng nước lưu thông, trao đổi khiến độ mặn trong vuông nuôi tăng trên 30‰ có nơi trên 40‰, nên tình trạng tôm chết cũng bắt đầu xảy ra. “Hiện tượng tôm chết lúc đầu chỉ xảy ra rải rác, nhưng gần đây có dấu hiệu tăng lên, nhất là khu vực vùng tôm – lúa trong nội đồng của huyện Thới Bình và U Minh. Tuy nhiên, qua xem xét mẫu tôm cho thấy, dù tôm chết có biểu hiện đỏ thân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt độ và độ mặn tăng cao. Dù vậy, chúng tôi vẫn chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc khẩn trương thu mẫu xét nghiệm, theo dõi sát tình hình để có những khuyến cáo kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại” – ông Bằng thông tin.
Tại Kiên Giang, nơi có 115.000 ha tôm đã được thả nuôi thiệt hại cũng bắt đầu xảy ra, nguyên nhân kết luận ban đầu là do thời tiết bất lợi làm cho tôm suy giảm sức đề kháng dẫn đến dịch bệnh tấn công và gây thiệt hại. ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang chia sẻ, trong tổng số 252 ha tôm nuôi bị thiệt hại, có trên 200 ha do bệnh đốm trắng, trên 14 ha do hoại tử gan tụy cấp tính, còn lại là do ảnh hưởng môi trường. Ông Xuyên cho biết: “Qua điều tra dịch tễ, chúng tôi phát hiện có 101 ổ dịch đốm trắng và 10 ổ dịch hoại tử gan tụy cấp tại 47 ấp, thuộc 21 xã của 6 huyện: An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương, Gò Quao và Vĩnh Thuận”.
Dù diện tích thả nuôi từ đầu vụ đến nay của Sóc Trăng chỉ mới hơn 6.000 ha, nhưng cũng ghi nhận có khoảng 115 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chủ yếu là do tác động biến đổi môi trường và dịch bệnh. Ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng thông tin: “Kết quả thu 10 mẫu (mẫu gộp) tại hầu hết các vùng nuôi trong tỉnh cho thấy đến 7 mẫu có mầm bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Với diễn biến thời tiết và độ mặn như hiện nay, rất dễ làm cho những dịch bệnh trên phát sinh và gây hại. Vì thế, ngay sau khi có kết quả quan trắc, chúng tôi đều đưa ra các cảnh báo sớm để người nuôi kịp thời phòng trị”. Thực tế, tại một số vùng nuôi của huyện Mỹ Xuyên, những ngày gần đây, tình trạng tôm chết bất thường cũng đã diễn ra.
Giải pháp ứng phó
Theo ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, độ mặn tuy có giảm nhưng nhìn chung vẫn còn cao hơn so cùng kỳ 4 – 18‰ và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn. Vì vậy, người nuôi không nên nóng vội mà chỉ thả nuôi mang tính thăm dò, khi nào thấy thuận lợi mới thả tiếp. Còn theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, nguy cơ thiệt hại tôm nuôi do biến động môi trường và dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao. Do đó, chính quyền địa phương và cán bộ khuyến nông cơ sở đang tập trung khuyến cáo người dân nên thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không xả nước ao tôm bệnh ra ngoài môi trường khi chưa xử lý tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, phải thông báo cho các hộ nuôi tôm xung quanh để có các biện pháp hạn chế lây lan dịch bệnh; đối với ao tôm đã bị bệnh, hộ nuôi phải cách ly tối thiểu 21 ngày sau khi xử lý mới được thả giống trở lại.
Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp bảo vệ tôm nuôi trong tình hình nắng nóng và độ mặn cao, ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết: “Với tình hình nắng nóng và độ mặn tăng nhanh, chúng tôi khuyến cáo các hộ nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến cần có ao xử lý nước để bổ sung kịp thời vào ao nuôi nhằm tránh nhiệt độ ao nuôi tăng, kéo theo độ mặn tăng gây sốc cho tôm dẫn đến thiệt hại. Ngoài ra, trước khi thả tôm, người nuôi cần ương tôm (dèo) khoảng 15 – 20 ngày, nếu quan sát thấy tôm khỏe mới thả ra ao nuôi”.
Theo đánh giá của ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL, dịch bệnh trên tôm xuất hiện chủ yếu là đốm trắng trên các mô hình nuôi quảng canh hay quảng canh cải tiến và một số mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh. Điều này được người nuôi đánh giá là khá bất thường, bởi bệnh đốm trắng thường chỉ xuất hiện nhiều trong mùa mưa, còn mùa nắng là thời điểm của bệnh gan tụy cấp.
Báo Con Tôm