Ứng dụng bể tròn trong nuôi tôm thâm canh
Nội dung bài viết
Bên cạnh các ao nuôi tôm truyền thống với diện tích lớn, mô hình sử dụng bể tròn có trong nuôi tôm thâm canh đang ngày càng phổ biến.
Ưu điểm
Nhược điểm của ao nuôi hình chữ nhật truyền thống là các góc chết, nơi dòng chảy của nước bị cản trở tạo điều kiện cho chất thải tích tụ. Trong khi đó, hình dạng đặc trưng và kích thước của bể tròn (trung bình khoảng 500 – 1.000 m2) giúp người nuôi thu gom và loại bỏ chất thải rất hiệu quả. Vì bể hình tròn nên khi vận hành quạt nước tạo dòng chảy xoáy hướng tâm mạnh, chất thải được gom vào rốn ao, rất thuận tiện cho việc xi phông sạch các chất dơ, hạn chế việc gây ô nhiễm trong ao nuôi. Nhờ đó, nền đáy được giữ sạch sẽ suốt vụ, giảm thiểu vi khuẩn có hại và khí độc tích tụ trong môi trường ao nuôi. Bên cạnh đó, diện tích bể nhỏ nên không cần quá nhiều dàn quạt để tạo ra dòng chảy và cung cấp đủ ôxy cho ao nuôi cũng như thu gom chất thải. Mỗi bể chỉ cần lắp đặt 2 dàn quạt (mỗi dàn gồm mô-tơ 3 – 5hp) và 1 dàn sục khí 5hp là đủ, nhờ vậy chi phí vận hành quạt nước cũng được giảm đi đáng kể.
Đặc biệt, bể nằm trên mặt đất nên không bị ô nhiễm bởi hóa chất có hại hoặc mầm bệnh tích tụ trong đất ngấm ngược vào bể. Vách bể thẳng đứng giúp hạn chế chất bẩn và rong bám vào, từ đó giảm được phần nào công đoạn vệ sinh bể, hạn chế bệnh đường ruột do tôm ăn phải các chất bẩn này… Nhờ các ưu điểm này trong quản lý chất lượng nước ao nuôi mà người nuôi có thể giảm thiểu chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường.
Quy trình nuôi
Giai đoạn 1 (giai đoạn ương vèo tôm giống): tôm giống PL10 – 12 được thả ương với mật độ 1.000 – 3.000 con/m2. Tôm được nuôi trong bể ương trong vòng 20 – 25 ngày cho đến khi tôm giống đạt cỡ 1.500 – 700 con/kg. Giai đoạn 1 giúp con giống ở giai đoạn PL12 đến PL40 thích ứng với môi trường ao nuôi ngoài trời, tăng sức đề kháng đặc biệt là với bệnh AHPND/EMS, đạt kích cỡ đồng đều, và có tỷ lệ sống cao. Từ đó rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, giảm chi phí nuôi ban đầu, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, tăng vụ nuôi trong năm và tăng sản lượng. Trong quá trình ương, người nuôi cần thực hiện đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ương trong bể 20 – 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều thì mới chuyển qua ao nuôi.
Nhờ những ưu điểm trên, bể nổi tròn không chỉ được người nuôi ưu chuộng sử dụng trong giai đoạn ương vèo mà hiện nay, nhiều hộ nuôi đã tin tưởng lựa chọn nuôi thương phẩm. Giai đoạn nuôi tôm thương phẩm (giai đoạn 2) trong bể nổi tròn thay vì ao nuôi có diện tích lớn. Ở giai đoạn này tôm được thả ở mật độ 100 – 300 con/m2; tôm giống giai đoạn này thường ở cỡ 1.000 – 2.000 con/kg. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ ao phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên. Đến khoảng 100 ngày tuổi, tôm đạt trọng lượng trung bình 30 con/kg thì tiến hành thu tôm thương phẩm. Các sản phẩm thức ăn của Skretting như PL (cho giai đoạn 1), Sapphire, Gamma, Mega, Xpand (Giai đoạn 2) được người nuôi ưa chuộng sử dụng trong mô hình này nhờ những đặc tính ưu việt như tính dẫn dụ cao, thành phần dinh dưỡng dễ hấp thu, kết cấu bền trong nước, giảm thiểu áp lực lên môi trường nuôi.
Nuôi tôm theo mô hình này, tỷ lệ sống của tôm cao, lên đến 90 – 100% vì tôm có sức đề kháng cao, môi trường ao nuôi ổn định, bể có diện tích nhỏ hơn nên quản lý chất lượng nước hiệu quả hơn rõ rệt.
Lưu ý trong thiết kế bể tròn
Bể được dựng từ khung thép hoặc tường xây phủ bạt HDPE (dày 0,5 đến 1 cm), có đáy dạng hình phễu, vách thẳng đứng. Một số yêu cầu kỹ thuật trong quá trình lắp đặt bể nuôi gồm:
- Đáy bể có độ dốc hướng về tâm khoảng 5% để thu gom chất thải dễ dàng;
- Bể ương cần được đặt trên một vị trí đất cao sao cho đáy của bể ương nổi cao hơn nước của ao nuôi để có thể sang ra ao lớn bằng hệ thống ống nước có lắp van xả, điều này giúp cho tôm ương không bị hao, việc sang tôm cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều;
- Hệ thống bể ương cần có bể chứa nước có thể tích tương đương. Để có thể thay cấp nước 100% khi cần, bể chứa nước luôn phải được xử lý diệt khuẩn trước khi sử dụng, đảm bảo tiêu chuẩn để cấp nước cho bể ương;
- Ở giai đoạn ương, người nuôi nên dùng lưới lan che nắng cho bể ương để giảm biên độ nhiệt độ, giảm được một phần nước mưa rơi vào ao khi mưa lớn. Giá thành thấp, lắp đặt đơn giản, dễ dàng để tháo dần ra cho tôm quen với nhiệt độ không có mái che, nhờ vậy tôm không bị sốc nhiệt, đảm bảo tỷ lệ sống;
- Nên ương tôm trong bể có thể tích nhỏ khoảng 100 m3 nước để dễ quản lý môi trường;
- Đối với nuôi tôm thịt, diện tích bể nên nằm trong khoảng từ 500 m2 đến 900 m2;
- Ở giai đoạn này, khi số lượng tôm trong bể đạt trên 3,5 kg/m3 nên tiến hành thu tỉa hoặc sang bể để tôm có thể phát triển tối ưu;
- Đảm bảo sục khí, điện, thức ăn chất lượng tốt, testkit đo môi trường phải được chuẩn bị đầy đủ. Việc chăm sóc cũng cần người có kỹ thuật và chuyên môn tốt, túc trực 24/7 để đảm bảo không có sự cố và nếu có thì cần xử lý ngay lập tức.
Khó khăn thường gặp trong vận hành
Các bể có thể tích quá nhỏ (dưới 50 m3) có biên độ nhiệt lớn, tôm nuôi dễ bị sốc nhiệt độ. Cách khắc phục là tăng kích thước bể, lắp đặt mái che, đồng thời sục khí đều khắp thành ao sẽ giảm thiểu nhược điểm này.
Tôm bị sốc khi điều kiện sống thay đổi giữa các giai đoạn nuôi: sốc nhiệt độ, pH, kiềm, kim loại nặng… Người nuôi nên vận hành sục khí để đảo đều nước trước 1 – 2 ngày, mở mái che để tôm dần quen với môi trường bên ngoài. Sang ao vào lúc nhiệt độ thấp, sáng sớm hoặc chiều tối là thời điểm phù hợp nhất.
Ương mật độ quá cao yêu cầu kỹ thuật có chọn lọc, thao tác chính xác, trang thiết bị chuyên biệt.
Nguồn: contom.vn