Cách giảm rủi ro khi nuôi tôm ở Trà Vinh
Nuôi tôm nước lợ thâm canh đang đứng đầu về hiệu quả kinh tế nhưng vẫn thiếu bền vững vì rủi ro lớn, nguyên nhân chủ yếu do diễn biến thời tiết bất thường, dịch bệnh… Người nuôi tôm phải nắm vững kỹ thuật và rất cần những kinh nghiệm thực tế để giảm thiệt hại, tăng năng suất, chất lượng con tôm.
Hiệu quả từ những vụ nuôi
Với điều kiện của một tỉnh ven biển, Trà Vinh được nhiều nhà khoa học, chuyên môn đánh giá là rất có tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm nước mặn và nước lợ, với diện tích lên đến 95.000 ha.
Tính đến hết năm 2019, tổng diện tích nuôi tôm vùng nước mặn và lợ của tỉnh khoảng hơn 24.000 ha; trong đó, có 7.000 ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Sản lượng tôm nuôi mỗi năm đạt bình quân khoảng 35.000 tấn.
Nhờ con tôm mà nhiều hộ ở Trà Vinh thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình như hộ anh Trần Hoàng Anh, ấp Láng Cháo, xã Dân Thành, TX Duyên Hải. Vừa rồi anh thu hai ao tôm, ao 1 thả 10 vạn tôm giống, sau 75 ngày thu 1,8 tấn; ao 2 đến 88 ngày thu được 3 tấn.
Thu hoạch tôm tại hộ ông Võ Thanh Tùng, ấp Đại Thôn A, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh
Hay gia đình ông Võ Thanh Tùng, ấp Đại Thôn A, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành. Ông Tùng thả 280 000 PL, sử dụng hết 7.8 tấn thức ăn cho cả vụ nuôi, thời gian nuôi 80 ngày mới thu hoạch 6.840 tấn tôm với kích cỡ 52 con/kg. Với giá xuát bán thời điểm thu hoạch là 120.000 đồng/kg. Tuy không lãi nhiều song vụ nuôi diễn ra suôn sẻ.
Tương tự ông Nguyễn Văn Hải, Ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh, TX Duyên Hải cũng được người dân địa phương biết đến nuôi tôm giỏi. Ông Hải có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm thành công. Chỉ riêng một ao thả 70.000 post, ông đã thu về 1,57 tấn tôm size 83 con/kg, sau 61 ngày nuôi.
Hiện do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, thị trường bị thu hẹp, giá tôm giảm khiến cho tình hình nuôi tôm của người dân khó khăn hơn trước.
Kinh nghiệm thực tế
Mặc dù vậy, trong thời gian qua, người nuôi tôm cũng bị thiệt hại. Nguyên nhân, phần lớn diện tích nuôi tôm trong tỉnh áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, quy mô nhỏ, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nên dễ bị rủi ro trước diễn biến bất lợi về thời tiết, môi trường nước. Ảnh hưởng xấu đến tôm nuôi.
Gần đây, điều kiện thời tiết không thuận lợi, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn; môi trường nước ô nhiễm, các mầm bệnh nguy hiểm tồn tại nhiều trong môi trường tự nhiên, nhất là bệnh đường ruột, bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng và đỏ thân… Đặc biệt, ngành chuyên môn cảnh báo những ngày tới, thời tiết còn diễn biến phức tạp, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi hiện đang xảy ra và có chiều hướng gia tăng tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh.
Chính vì vậy, người nuôi tôm phải biết cách quản lý chăm sóc tôm nuôi, phòng chống dịch bệnh mùa nắng nóng. Như kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Hải là người có thâm niên trong nghề tôm cho biết, cần phải cải tạo ao đúng kỹ thuật để hạn chế mầm bệnh cho tôm trong quá trình nuôi. Lựa chọn tôm giống chất lượng của những cơ sở uy tín. Như đợt vừa rồi ông lựa chọn thả tôm giống của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, tôm khỏe mạnh, đồng đều, được kiểm nghiệm trước khi thả nuôi nên rất yên tâm. Tôm nuôi mau lớn. Trong quá nuôi, môi trường nước an toàn nuôi tôm rất quan trọng nên ông Hải theo dõi thường xuyên tôm ăn, cho tôm ăn vừa đủ, không để thức ăn dư thừa. Bởi thức ăn dư làm ảnh hưởng đến chất lượng nước nuôi dễ sinh dịch bệnh.
Còn theo ông Võ Thanh Tùng, trong quá trình nuôi tôm cần xử lý thay nước liên tục, ao lắng thả cá rô phi giúp lọc nước. Việc làm này giúp tạo ổn định cho môi trường nước, hạn chế sự phát tán của các sinh vật gây bệnh từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, để hạn chế được ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao cũng đang được tỉnh Trà Vinh khuyến khích. Với phương cách này, tôm phát triển đồng đều, tăng năng suất gấp 2 – 3 lần so với nuôi tôm thâm canh ao đất. Song do nguồn vốn đầu tư lớn, yêu cầu về mặt kỹ thuật cao nên ngành nông nghiệp Trà Vinh không khuyến khích nông dân thực hiện nuôi tôm siêu thâm canh khi chưa có hội đủ các điều kiện. Việc mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh cần tuân thủ thực hiện tại các vùng đã được quy hoạch.
Tạp Chí Thủy Sản