Back to Bài viết
Post Date: 09/10/2019

Lưu ý chăm sóc tôm sau mưa bão

 

Hiện các tỉnh Nam bộ đang trong mùa mưa cũng là thời điểm bước vào thả giống và nuôi tôm vụ hai ở nhiều địa phương làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tỷ lệ sống của tôm. Vì vậy, cần có những biện pháp kịp thời để hạn chế những tác động của mưa lớn gây ra.

Ổn định môi trường

Ngay sau những cơn mưa, việc làm cần được ưu tiên chính là tiến hành kiểm tra bờ ao, cống cấp thoát nước… để biết được tình trạng ao nuôi và số lượng tôm nuôi có thất thoát hay không. Sau đó, thu dọn, vớt rác, lá cây, thân cây bị đổ xung quanh để làm sạch ao và tránh lá cây bị thối gây ô nhiễm cho nguồn nước trong ao.

Mực nước trong ao nuôi không nên để quá sâu hoặc quá cạn và phải tùy thuộc vào từng giai đoạn nuôi. Đối với tôm nuôi thương phẩm, mực nước tối ưu để hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết khoảng 1,2 – 1,5 m. Sau mưa, lượng nước trong ao thường lên cao, vì vậy, cần xả bớt lượng nước tầng mặt trong ao để duy trì mực nước thích hợp và tránh gây ra hiện tượng phân tầng nước.

Kiểm tra pH nhiều lần trong ngày để điều chỉnh kịp thời; duy trì pH ở mức thích hợp, trong khoảng 7,5 – 8,5 và dao động giữa sáng – chiều không quá 0,5 đơn vị. Ngoài ra, độ kiềm là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, làm tôm chậm lớn và bị mềm vỏ, giảm tỷ lệ sống. Vì vậy, cần kiểm tra và điều chỉnh độ kiềm về khoảng thích hợp cho tôm sú từ 80 – 140 mg/l và 120 – 150 mg/l đối với tôm thẻ chân trắng.

Khi độ mặn trong ao thấp hơn 8‰ thường xuất hiện tảo lục có màu xanh nước rau má. Khi đó có các hiện tượng: Tảo thường xuyên bị tàn lụi, tôm dễ bị đen mang, vàng mang. Để khắc phục, cần giảm thức ăn. Dùng BKC 800 với nồng độ 0,5 ppm. Chọn 1/3 diện tích ao hướng cuối gió để tạt vào lúc trời nắng gắt (không sử dụng quạt nước). Vớt bọt tảo tàn sau khi sử dụng thuốc. Lặp lại từ 2 – 3 lần. Sử dụng chế phẩm sinh học để hấp thu khí độc do xác tảo lắng dưới đáy ao sinh ra.


Sau khi mưa lớn, nước trong ao thường bị đục do bùn, đất, hạt sét… lơ lửng cùng với đó là sự hoạt động của các sinh vật bên trong ao nuôi. Để xử lý, cần dùng 15 kg thạch cao/500 m3 nước, nếu sau 2 lần đánh mà nước vẫn chưa trong thì nên tăng nồng độ ở lần thứ 3. Chú ý khi sử dụng thạch cao phải nâng độ kiềm của ao lên 100 ppm rồi mới sử dụng. Trường hợp không có hiệu quả, có thể dùng thêm Sunfat nhôm Al2(SO4)3 với liều lượng 1 kg/100 m3 nước. Khi sử dụng phương pháp này chú ý phải tăng pH và độ kiềm của ao. Sau khi nước đã giảm đục, cần phải sử dụng chế phẩm sinh học gây màu nước.

Quản lý sức khỏe tôm

Cần theo dõi tình hình thời tiết để điều tiết lượng thức ăn cho tôm; sau khi mưa bão chấm dứt mới cho ăn trở lại nhưng chỉ cho ăn với lượng 30 – 50% so lúc bình thường.

Người nuôi cũng cần hạn chế mầm bệnh trong ao bằng cách sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn để diệt khuẩn nước ao. Đồng thời quản lý sức khỏe của tôm, thường xuyên quan sát phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy, phân tôm, màu nước ao nuôi. Những ngày thời tiết diễn biến xấu cần chài tôm định kỳ để kiểm tra sức khỏe tôm và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường như tôm búng yếu, phân lỏng, đường ruột đứt khúc, gan tụy mờ nhạt…

Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần bổ sung Vitamin C, khoáng chất, vi sinh đường ruột (men tiêu hóa), chất bổ gan, chất tăng đề kháng Beta-glucan để tăng cường sức chống chịu cho tôm trước thay đổi của thời tiết và môi trường.

(Tạp chí Con Tôm)

Share this post

Back to Bài viết
Kính mời Anh/Chị tham gia nhóm

Giải Pháp Nuôi Tôm Thành Công

Trên ứng dụng Zalo
Tập đoàn Nam Miền Trung với mong muốn tạo ra một môi trường trao đổi thông tin, nơi mọi thành viên có thể chia sẻ kiến thức, trao đổi về các vấn đề liên quan đến tôm giống, kĩ thuật nuôi,... Chúng tôi sẽ có những chuyên viên kĩ thuật, kinh doanh dày dạn kinh ngiệm để tư vấn cho Anh/Chị khi cần.
close-link
contact-page