Back to Bài viết
Post Date: 27/02/2020

Đảm bảo độ kiềm trong ao nuôi tôm thẻ

Độ kiềm thể hiện khả năng trung hòa acid của nước, nhờ đó giữ cho độ pH của nước được ổn định. Trong nước có nhiều chất có tính kiềm như muối carbonate (CO32-), bicarbonate (HCO3-), silicate, phosphate, ammonia, OH- và nhiều hợp chất hữu cơ khác (Boyd&Tucker 1992). Các bazơ chính trong ao nuôi thủy sản bao gồm CO32-, HCO3- và OH-. Độ kiềm mà chúng ta đo đạc được khi sử dụng kit đo độ kiềm hoặc phương pháp phân tích hóa học gọi là độ kiềm tổng số, được biểu diễn bằng hàm lượng CaCO3 (mg/L). Độ kiềm ban đầu cao hay thấp phụ thuộc vào chất đất, nguồn nước và khả năng bổ sung CO32-, HCO3- và OH- dưới dạng vôi của người nuôi tôm. Trong quá trình nuôi, độ kiềm phụ thuộc vào mức độ phát triển của tảo và các sinh vật khác có trong ao như ốc đinh hay nhuyễn thể hai mảnh vỏ, hoạt động lột xác của tôm, mức độ thay nước và hoạt động bổ sung CO32-, HCO3- và OH- dưới dạng vôi của người nuôi.

Độ kiềm là thông số rất quan trọng trong nuôi tôm thẻ chân trắng do có liên quan trực tiếp đến độ ổn định của pH nước và hoạt động lột xác của tôm. Độ kiềm càng lớn, pH của nước càng ổn định. Độ kiềm thấp của các vùng nước ngọt hoặc có độ mặn thấp ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lột xác và tỷ lệ sống của tôm nuôi. Theo Limsuwan (2005), độ kiềm trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng phải ở mức trên 80 mg CaCO3 /L và cần được kiểm tra thường xuyên, ít nhất là 1 tuần/lần. Độ kiềm thường giảm vào mùa mưa do nước mưa có tính acid hoặc sau khi tôm lột xác hoặc trong ao có nhiều ốc đinh. Độ kiềm thấp làm ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, khiến cho tôm bị mềm vỏ, chậm lớn, có tỷ lệ sống thấp. Các ao nuôi có độ kiềm quá thấp (dưới 20 mg CaCO3/L) thường rất khó để gây màu nước. Để tăng độ kiềm trong ao nuôi tôm có thể dùng dolomite, vôi tôi Ca(OH)2 hoặc NaHCO3 công nghiệp.

Độ kiềm cao (200 – 300 mg CaCO3/L) kết hợp với pH lớn hơn 8,5 lại ngăn cản quá trình lột xác của tôm do lượng muối có trong môi trường nước ao quá lớn. Trong các ao nuôi tôm nếu tảo phát triển quá mức, chúng sẽ làm cân bằng carbonate trong nước dịch chuyển sang phía hình thành CO32-, khiến cho độ kiềm của nước tăng.

Để kiểm soát ta có thể thay nước hoặc diệt bớt tảo. Nếu diệt tảo cần lưu ý thực hiện vào buổi sáng và đảm bảo duy trì hàm lượng ôxy hòa tan trong nước ao. Tại một số vùng nuôi sử dụng nước ngầm, độ kiềm có thể quá cao, ảnh hưởng xấu đến tôm nuôi. Kinh nghiệm xử lý độ kiềm cao là sử dụng 3 trái thơm (dứa) cho mỗi 1.000 m3 nước ao, xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố, rồi hòa với nước tạt xuống ao. Làm liên tục một vài ngày cho đến khi độ kiềm giảm đến mức mong muốn.

Sách thực hành nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả

Share this post

Back to Bài viết
Kính mời Anh/Chị tham gia nhóm

Giải Pháp Nuôi Tôm Thành Công

Trên ứng dụng Zalo
Tập đoàn Nam Miền Trung với mong muốn tạo ra một môi trường trao đổi thông tin, nơi mọi thành viên có thể chia sẻ kiến thức, trao đổi về các vấn đề liên quan đến tôm giống, kĩ thuật nuôi,... Chúng tôi sẽ có những chuyên viên kĩ thuật, kinh doanh dày dạn kinh ngiệm để tư vấn cho Anh/Chị khi cần.
close-link
contact-page